Câu chuyện lùm xùm về một cuốn ngụy thư (sách dởm)

Tháng Chín 15, 2013 at 4:46 sáng 9 bình luận

P1070367Lời dẫn:  Cách nay trên 10 năm, vào tháng 5-2002, trong ngành xuất bản có một sự kiện động trời. Đó là sự kiện Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc cho in ấn và phát hành cuốn: Huyền thoại hay sự thật Cội nguồn Cha Rồng Mẹ Tiên của tác giả Võ Trọng Thái. Ông Võ Trọng Thái (VTT) là một doanh nhân (Giám đốc Cty TNHH Tiên Rồng lúc bấy giờ) vì vậy ông có điều kiện về tài chính để tổ chức giới thiệu quảng bá tác phẩm của mình. Trong suốt hàng tháng trời, khi thì tại Trung tâm này, khi thì ở Câu lạc bộ nọ đã diễn ra các cuộc hội thảo, giao lưu, tọa đàm, đối thoại giới thiệu cuốn sách của VTT. Người không hiểu gì về lich sử (trong đó có rất nhiều nhà báo) thì tâng bốc cuốn sách  lên tận mây xanh, coi như đó là một phát hiện lớn về lịch sử (Xem ảnh bên, những tờ báo đã đăng bài ca ngợi Võ Trọng Thái). P1070402Người hiểu biết thì bức xúc, phẫn nộ về những sự bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn về cội nguồn. Có một điều lạ là, các GS, TS những người làm công tác nghiên cứu đích thực tại các Viện các ngành của Nhà nước (tiếng nói chính thống của giới nghiên cứu) đều im hơi lặng tiếng. Một sự im lặng khó hiểu. Tôi tin chắc rằng, không phải là họ không hiểu vấn đề, không thấy cái sai cái bịa đặt của cuốn sách, mà tôi nghi ngờ về cái “dũng khí” dám nói lên sự thật của họ. Thậm chí, có một vị GS Sử học chuyên viết bài cộng tác thường xuyên cho một tờ báo nọ, khi được người phụ trách biên tập đặt vấn đề nhờ ông viết cho một bài phản biện về vấn đề này, thì ông đã xua tay, nhún vai mà rằng: Anh tha cho tôi, vấn đề nào thì được, chứ vấn đề này thì tôi chịu. Dây vào đấy rắc rối lắm”. Không hiểu họ e sợ cái gì? Có điều đặc biệt là, trong cuốn sách này của VTT, ông ta đã đưa vào một số hình ảnh các vị quan to (có cả rất to) chụp ảnh chung, quan tâm, động viên việc làm của VTT, vì vậy mà họ e ngại chăng. Mặt khác, cũng phải thấy một điều thực tế lúc bấy giờ là: Giữa trào lưu chung ca ngợi cuốn sách, bốc thơm tác giả lên tận mây xanh như thế thì việc viết bài phản đối đã là một sự dũng cảm rồi !P1070431

Rút cục lại, góp phần vạch trần sự bịa đặt, xuyên tạc  của cuốn sách trên, nhằm bảo vệ sự nghiêm túc, chính xác của Lịch sử  lại là các nhà nghiên cứu không bằng cấp, các nhà báo nghiệp dư (các nhà báo có thẻ đã được mời dự họp, được tặng sách và đã “nhỡ” viết bài bốc thơm, ca ngợi rồi!). Bài báo này của tôi được ra đời trong bối cảnh ấy. Bài được đăng trên báo Khoa học & Đời sống số 44 ra ngày 26-7-2002.

Đúng một tháng sau, ngày 26-8-2002,cục Xuất bản, Bộ Văn hóa Thông tin  có quyết định thu hồi cuốn sách của VTT. Tất nhiên, không phải chỉ có một bài báo của tôi mà còn một số bài của các tác giả khác nữa. Nhưng, là người theo dõi rất sát vụ này, tôi có thể nói rằng, không hề có một bài nào của các vị GS- TS, các nhà nghiên cứu mang tiếng nói chính thống của Nhà nước.

Bài báo này sau đó tôi tập hợp lại in trong cuốn “ Lịch sử và sự ngộ nhận”

Sau đây là nội dung bài báo:

*

 

CỔ LÔI NGỌC PHẢ TRUYỀN THƯ: CỔ THƯ HAY NGỤY THƯ ?

Ngày 12-5-2002, Trung tâm UNESCO phát triển nhân văn đã long trọng tổ chức buổi giới thiệu “Ra mắt lần đầu tiên ở Việt Nam tác phẩm Huyền thoại hay sự thật cội nguồn cha Rồng Mẹ Tiên” của tác giả Võ Trọng Thái (Nxb Văn hóa dân tộc, 5-2002). Tại đây, tác giả VTT đã được xưng tụng như là người đầu tiên “phát hiện” ra những tư liệu lịch sử quan trọng, mà nếu đúng như thế có thể làm đảo lộn toàn bộ nền sử học Việt Nam, làm sụp đổ hoàn toàn những giá trị truyền thống mà xưa nay dân tộc Việt Nam hằng tôn thờ. Vậy, những tư liệu mà ông VTT phát hiện ra đó được lấy từ đâu, trích dẫn từ nguồn nào  mà chứa đựng những điều ghê gớm như thế?

Vài nét về bộ sách: Cổ Lôi ngọc phả truyền thư

Cổ Lôi tên cổ là Tổng Sốm, tức tổng Văn Nội, Thanh Oai, Hà Đông, nay là địa bàn các xã Phú Lãm, Phú Lương, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Trong tổng Cổ Lôi đó có làng Vân Lôi, tức Văn Nội thuộc xã Phú Lương, nơi có nhà thờ họ Nguyễn Vân, một dòng họ còn giữ được một bộ sách chép tay, chữ Hán, không rõ niên đại , mà theo ông Nguyễn Vân Tằng, tộc trưởng , thì đây là một bộ sách cổ quý giá, là sách truyền lại từ đời xưa của dòng họ. Đó là bộ Cổ Lôi ngọc phả truyền thư (xin được gọi tắt là Cổ Lôi), gồm hai phần chính:

– Bách Việt tộc phả cổ lục (hay Nam Việt Hùng Vương Ngọc phả vĩnh truyền) ghi chép các đời vua Hùng (cũng mang họ Nguyễn)

– Nguyễn tộc từ đường phổ ký

Bộ Bách Việt tộc phả cổ lục ghi chép tộc phả của 18 ngành (thập bát diệp) thời Hùng Vương mà tác giả VTT đã khai thác , sử dụng để viết cuốn Huyền thoại hay sự thật cội nguồn Cha Rồng Mẹ Tiên. Những người đã và đang khai thác tư liệu trong bộ Cổ Lôi để nghiên cứu, viết sách viết báo thì nhiều. Ngoài cuốn sách của VTT vừa nêu, chúng ta có thể kể một vài cuốn khác:

– Việt Nam thần thoại và truyền thuyết của GS Bùi Văn Nguyên (Nxb Khoa học xã hội và NXB Mũi Cà Mâu- 1993)

– Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo của GS Bùi Văn Nguyên (Nxb Khoa học xã hội – 1999)

– Việt Nam và cội nguồn trăm họ (GS Bùi Văn Nguyên (Nxb Khoa học xã hội – 2001). Và một số bài báo đáng chú ý như:

– Nguyễn Thiếp với Quang Trung Nguyễn Huệ và trận Đống Đa lịch sử của  PGS Đỗ Tòng(Tạp chí Dân tộc và Thời đại số 26 tháng 1-2001)

– Sau thảm án tru di, phần mộ Nguyễn Trãi ở đâu? Của hai ông Nguyễn Văn Tằng và TS Lã Duy Lan (Tạp chí Thế giới mới số 461 và 462 tháng 11-2001)

Theo ông Tộc trưởng họ Nguyễn thì sự ra đời của Cổ Lôi như sau: Họ Nguyễn ở Văn Nội là dòng trưởng của tất cả các dòng họ trong cả nước. Cho nên tộc trưởng họ Nguyễn đương nhiên là tộc trưởng của cả nước. Bộ Cổ Lôi là do dòng trưởng của cả nước biên soạn. Hằng năm, Hội đồng tộc biểu  cả nước về họp đại hội ở Cổ Lôi thì bộ sách được đem ra đọc lại. Nếu vì lâu năm giấy bị mục nát thì Hội đồng Tộc biểu cả nước quyết định chép lại và tục biên (tức biên chép các sự kiện, nhân vật mới thêm vào phía sau). Chính vì thế mà bộ Cổ Lôi ngày càng dày thêm. Các sự kiện được ghi chép từ thời Thần Nông Viêm Đế cho đến những sự kiện mới xuất hiện năm 1930 của thời đại chúng ta, tức là bao quát cả một quãng thời gian dài đến 7.000 năm lịch sử. Nếu dúng như thế thật thì đây là một tài liệu quý giá , có một không hai của nước nhà và xứng đáng được xếp vào hàng quốc bảo. Và những người họ Nguyễn ở Văn Nội sẽ có công lớn khi lưu giữ, bảo quản cho quốc gia một tài liệu quý như thế.

Tuy nhiên, khi xem Cổ Lôi, những điều đầu tiên đập vào mắt, khiến chúng ta không thể tin được.

Một là, chi tiết họ Nguyễn là dòng họ đứng đầu trong cả nước.  Trong quá trình tìm hiểu tộc phả của hàng trăm dòng họ để nghiên cứu về cội nguồn các dòng họ, chúng tôi chưa hề đọc được ở bất cứ một cuốn tộc phả nào ghi nhận dòng họ Nguyễn ở Văn Nội là dòng trưởng của họ mình. Trong tất cả các sử sách xưa nay, chúng tôi cũng chưa gặp một dòng nào ghi chép về một dòng họ được coi là dòng trưởng của cả nước. Ngay như tộc phả dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây) – dòng họ của Nguyễn Trãi, hay tộc phả họ Nguyễn của Nguyễn Thiếp ở Can Lộc Hà Tĩnh – hai danh nhân mà họ Nguyễn ở Văn Nội nhận là tổ tiên họ mình, cũng không có một dòng nào ghi về gốc tích ở Cổ Lôi cả. Vậy thì việc họ Nguyễn ở Văn Nội ghi trong tộc phả là Dòng trưởng của cả nước chỉ là sự vỗ ngực tự xưng, sao có thể tin cậy được ?

Hai là, trong Cổ Lôi ghi rằng, hằng năm , đại biểu các tộc họ trong cả nước về Cổ Lôi để họp Hội đồng Tộc biểu cả nước . Trong cả quá trình làm việc, tiếp xúc với rất nhiều tộc trưởng của các dòng họ, các bậc cao niên nhưng chưa ai nhận rằng đã từng về Cổ Lôi để họp Hội đồng tộc biểu cả nước và cũng chưa từng nghe cha ông truyền lại một điều gì tương tự như thế. Sử sách của ta xưa nay cũng chưa thấy có một dòng nào ghi chép về việc có một Đại hội hằng năm của Hội đồng tộc biểu cả nước ở Cổ Lôi cả (1). Như vậy đây là một điều bịa đặt chứ không hề có thật.

Ba là, trong sách Cổ Lôi có ghi rằng, các ông tộc trưởng họ Nguyễn ở đây được các triều đại phong kiến phong tặng chức tước. Thời Bắc thuộc được phong là Giao Chỉ quận vương, thời Đinh, thời Lý được phong là Quốc Công, thời Trần được phong là Quốc Phụ, thời Lê, thời Nguyễn được phong là Hương Quận công. Cho đến thời ông Nguyễn Vân Ý , vị tộc trưởng thứ 50 của dòng họ này cũng được phong là Hương quận công. Như vậy, nếu dòng họ này còn lưu giữ được (như đã từng lưu giữ bộ Cổ Lôi) thì cũng có ít nhất 50 tấm bằng sắc vua ban. Tuy nhiên, khi chúng tôi về tận nơi xin xem các bằng sắc ấy thì dòng họ ở đây đã không đưa ra được một tấm bằng sắc nào. Ngay như ông Nguyễn Vân Ý, trong bộ Cổ Lôi ghi là được vua Thành Thái phong là Thái tử Thiếu bảo Vinh Lộc Đại Phu Hương quận công nhưng qua tài liệu lưu trữ của Viện Viễn Đông Bác cổ thì năm 1938  ông Nguyễn Vân Ý đang làm lý trưởng làng Văn Nội (hiện còn chữ ký của ông Ý trong bản báo cáo gửi lên nhà cầm quyền về các vị thần được thờ ở Văn Nội). Mà lý trưởng thì không thể được phong đến Thái tử Thiếu bảo là quan nhất phẩm triều đình. Từ trường hợp của ông Nguyễn Vân Ý , cũng có thể suy ra, những hàm tước của các vị tộc trưởng họ Nguyễn cũng chỉ là tự phong mà thôi.

Như vậy , cả ba điều đầu tiên của bộ sách chúng ta đã không tin được điều nào, vậy thì những ghi chép còn lại làm sao mà tin được ?

Những ghi chép khác biệt với chính sử

Trong bộ sách Cổ Lôi, ta gặp rất nhiều ghi chép dị biệt với chính sử.:

– Tất cả các vua Hùng đều mang họ Nguyễn. Ngay Đế Nghi, một vị vua phương Bắc cũng mang họ Nguyễn, tên là Nguyễn Nghi Nhân.

– Kinh đô Xích Quỷ ở làng Văn Nội, Thanh Oai, Hà Tây

– Kinh đô Phong Châu của các vua Hùng không phải ở Phú Thọ mà cũng ở Văn Nội, Thanh Oai. Hiện nay còn đầy đủ mộ của 18 vị vua Hùng

– Triệu Đà , kẻ đã từng đánh bại An Dương Vương , xâm lăng Âu Lạc té ra lại chính là Nguyễn Thân, tức Lý Ông Trọng, một vị thần được thờ ở Đền Chèm, Từ Liêm, Hà Nội.

– An Dương Vương tên là Lê Dĩnh, không phải  đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh) như xưa nay ta vẫn tưởng mà lại đóng đô ở Văn Nội, Phú Lương, Thanh Oai, Hà Tây….

Và không chỉ có thế. Các danh nhân nổi tiếng của nước ta như Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiếp… đều có gốc gác từ Văn Nội. Hồ Quý Ly thực ra là Nguyễn Quý Ly, em ruột Nguyễn Phi Khanh, chú ruột Nguyễn Trãi. Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh đều là anh em họ và đều là cháu họ của Nguyễn Thiếp. Mà Nguyễn Thiếp là tộc trưởng của họ Nguyễn ở Văn Nội, tức cũng là tộc trưởng của cả Việt Nam.

Toàn là những ghi chép kinh thiên động địa. Và quê hương Văn Nội (xã Phú Lương, Thanh Oai) nếu đúng như thế thật thì quả là một làng đặc biệt. Tất cả tinh hoa của đất nước đều tập trung tại một làng này. Đọc những điều ghi chép trên đây chúng ta thấy nếu tin vào những điều đã công bố thì tất cả nền móng của lịch sử Việt Nam đều lung lay đến tận gốc rễ. Đền Hùng không còn ý nghĩa gì. Nhiều kiến thức lịch sử đã được định hình xưa nay đều phải xem xét lại.

Sự việc đã đến lúc không thể đừng được Nên chăng các cơ quan nhà nước cần thành lập một Hội đồng thẩm định bộ sách này. Nếu đúng là một bộ sách cổ có giá trị thì nên dịch, in ấn , phát hành để cải chính lịch sử, kẻo con cháu sau này sẽ hiểu lầm như xưa nay chúng ta vẫn hiểu. Còn nếu là ngụy thư thì cũng nên công bố cho cả nước đều biết , để tránh việc khai thác các tư liệu trong đó rồi công bố để mọi người khỏi hiểu sai về cội nguồn dân tộc. Riêng đối với cuốn Huyền thoại hay sự thật cội nguồn Cha Rồng Mẹ Tiên , nếu khẳng định rằng đã dựa trên những sử liệu sai thì cần thu hồi ngay.

PDK

Ghi chú: (1): Hội đồng tộc biểu được ra đời ngày 25-2-1927 do một Nghị định về việc “Cải lương hương chính” của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.  Chỉ có Hội đồng tộc biểu ở các làng xã, chứ không có Hội đồng tộc biểu cả nước. Ngay việc đề cập đến Hội đồng tộc biểu cũng thấy việc ra đời muộn màng của cuốn sách Cổ Lôi ngọc phả truyền thư.

Xem bài liên quan:

– Giới thiệu cuốn LỊCH SỬ VÀ SỰ NGỘ NHẬN của Phan Duy Kha

– Triệu Đà là con cháu của vua Hùng, một “giả thuyết” kỳ cục của GS Bùi Văn Nguyên

– Những công bố kỳ cục, những câu chuyện kỳ khôi cười ra nước mắt

 

 

 

Entry filed under: Uncategorized.

Những công bố kỳ cục, những câu chuyện kỳ khôi cười ra nước mắt Vấy bùn vào lịch sử lại là người có học hàm, học vị

9 bình luận Add your own

  • 1. Thứ Hai, 16-09-2013 cập nhật | Dahanhkhach's Blog  |  Tháng Chín 16, 2013 lúc 7:20 sáng

    […] – Câu chuyện lùm xùm về một cuốn ngụy thư (sách dởm) (Phan Duy Kha). […]

    Trả lời
  • 2. trương xuân huy  |  Tháng Chín 16, 2013 lúc 9:49 sáng

    sách gì mà bí đao quá zỵTôi đọc mà cười suýt bị sặc!

    Trả lời
    • 3. phanduykha  |  Tháng Chín 16, 2013 lúc 10:06 sáng

      Có một cuốn sách như vậy đấy bạn ạ. Ấy thế mà khi mới phát hành, người ta hết lời ca ngợi là những “phát hiện” lớn đấy.

      Trả lời
  • […] – Câu chuyện lùm xùm về một cuốn ngụy thư (sách dởm) […]

    Trả lời
  • […] – Câu chuyện lùm xùm về một cuốn ngụy thư (sách dởm) […]

    Trả lời
  • 6. Những vấn đề Lịch sử và Phản biện | Phan Duy Kha  |  Tháng Một 22, 2015 lúc 4:22 sáng

    […] mặt của một vấn đề. Đúng sai thế nào , bạn có thể tự rút ra kết luận) : – Câu chuyện lùm xùm về một cuốn ngụy thư (sách dởm) – Vấy bùn vào lịch sử lại là người có học hàm, học vị – Phát hiện mộ […]

    Trả lời
  • 7. vũ Đức Thịnh  |  Tháng Tám 22, 2015 lúc 7:02 sáng

    Tôi đã đọc những tư liệu được đăng tải từ khi cuốn sách ra đời .Nếu đúng như vậy thì sử sách phải in ấn chỉnh sửa nhiều lắm .Xin cảm ơn PHAN DUY KHA đã có những biện dẫn có tính thuyết phục ,để không có hệ lụy cho nhiều thế hệ !

    Trả lời
    • 8. phanduykha  |  Tháng Tám 22, 2015 lúc 11:57 chiều

      Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ

      Trả lời
  • 9. anhtung91  |  Tháng Tám 26, 2019 lúc 11:04 sáng

    Tại sao không tìm thấy Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư, hay Chính Phủ sợ hãi điều gì lên phải che lấp không cho người dân biết.

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Chín 2013
H B T N S B C
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Most Recent Posts