Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền với tư liệu lịch sử của Phan Duy Kha

Tháng Tư 11, 2017 at 12:29 sáng Bình luận về bài viết này

“Vịnh sử” nhớ anh hùng

Bài viết của Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đăng trên báo Thừa Thiên – Huế

TTH – Ngô Thì Hoàng là em cùng cha khác mẹ của Ngô Thì Nhậm, sinh năm 1768 và mất năm 1814.

Các chuyên gia Viện Khảo cổ học cùng báo giới tại buổi công bố kết thúc đợt thăm dò khu vực gò Dương Xuân vào tháng 10/2016. Ảnh: Phan Thành

Trong sách “Nhìn lại lịch sử” (Nhà Xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003), tác giả Phan Duy Kha viết bài “Một bài thơ liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung”. Tác giả đã công bố phần phiên âm bản chữ Hán bài thơ Vịnh sử của Ngô Thì Hoàng, một tư liệu quí trong việc tìm nơi nguyên táng lăng mộ vua Quang Trung. Sau khi tổng quan những hướng tìm lăng mộ vua Quang Trung, tác giả giải nghĩa từng câu của bài Vịnh sử và từ hai câu [5], [6], tác giả đã chú giải, đề nghị một hướng tìm lăng mộ Quang Trung trên đỉnh núi Ngọc Trản ở Thừa Thiên Huế. Tác giả Phan Duy Kha cung cấp phần phiên âm bài thơ Vịnh sử, chúng tôi tạm phục hồi phần chữ Hán bài thơ:   

詠史 (Vịnh sử)

絨  衣  赤  劍   下  東  山   [1](Nhung y xích kiếm há đông sơn)

風  駭  雲  遛    郅崮  間   [2](Phong hãi, vân lưu chí cố gian)

三     威聲     留旁  泊   [3](Tam giả uy thanh lưu bạng bạc)

百  年 身 事  付循 環 [4] (Bách niên thân sự phó tuần hoàn)

西  湖  宮  裏    雲仍  鎖   [5](Tây Hồ cung lý vân nhưng tỏa)

玉  琖 峰  頭    土未  乾   [6](Ngọc Trản phong đầu thổ vị can)

誰  籲  當  年  乖 積善   [7](Thùy dụ đương niên quai tích thiện)

重人   何  力     儋  多艱  [8](Trùng nhân hà lực đảm đa gian)

Phan Duy Kha vừa dịch nghĩa vừa có giải thích, xin trích lại phần dịch nghĩa:

[1]: Khoác áo nhung y, cầm gươm từ núi Đông Sơn tiến xuống,

[2]: Trong khoảng trỏ tay, liếc mắt, mây gió phải hãi hùng.

[3]: Ba lần tiến quân, tiếng tăm lừng lẫy.

[4]:Trăm năm sự nghiệp phó mặc cho sự tuần hoàn.

[5]: Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín.

[6]: Đầu núi Ngọc Trản đất còn chưa khô.

[7]: Khi xây dựng sự nghiệp vì thiếu lo tích thiện,

[8]:Nên vua nối ngôi không đủ sức chống với tình thế gian nan.

Ngô Thì Hoàng là em cùng cha khác mẹ của Ngô Thì Nhậm, sinh năm 1768 và mất năm 1814. Ông chỉ đỗ tú tài năm 1807, nghiên cứu sâu Phật học, từng cộng tác với Ngô Thì Nhậm ở thiền viện Trúc Lâm phường Bích Câu, Thăng Long. Tuổi thanh niên của Ngô Thì Hoàng chứng kiến những chiến công lừng lẫy của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Qua các anh Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Trí làm quan lớn thời Tây Sơn, ông nắm kỹ sự nghiệp TâySơn. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, sống thời Gia Long, ông vẫn đánh giá cao sự nghiệp vua Quang Trung nhưng tiếc là đức nhà Tây Sơn lại quá mỏng. Ông biết nhiều sự kiện quan trọng triều Tây Sơn cho nên những thông tin rút từ bài thơ Vịnh sử có độ tin cậy cao.

Chúng tôi nhất trí với nhận định của Phan Duy Kha: “Trong số thơ, văn của ông có bài Vịnh sử, đây là bài thơ làm dưới thời Gia Long… nên có những câu tác giả không dám nói thẳng, nhưng nếu để ý phân tích kỹ, từng chữ đều “vận” vào Quang Trung và nhà Tây Sơn”. Tuy nhiên, có một số câu chữ chúng tôi kiến giải khác Phan Duy Kha, vì thế xin “thương thảo” với tác giả vậy.

[1], [2]: Khoác nhung y từ biển Đông tới, tuốt kiếm báu từ núi Tây giáng xuống. Gió phải sợ, mây cũng ngừng bay trước vách núi sừng sững. Phan Duy Kha cho rằng “câu này chỉ nơi phát tích của nhà Tây Sơn, nhưng tác giả nói “trại” “Tây” thành “Đông”  để che mắt nhà Nguyễn”.

Xin được bổ sung: Khi Tây Sơn ở Phú Xuân, có dựng những cột đá khắc chữ Hán: “Hổ hướng Tây Sơn khởi”, dòng chữ này có vế đối “Long tòng Đông Hải lai” được chép trong Hoàng Lê nhất thống chí. Tác giả ghép chữ Đông và chữ  Sơn trong 2 câu trên  nhằm phiếm chỉ vua Quang Trung của phong trào Tây Sơn. Cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn tam kiệt, trong đó Nguyễn Huệ là kiệt hiệt nhất.

[5]: Phan Duy Kha giải thích câu [5] bài thơ: “Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín: nói việc Quang Toản sau khi thất thủ kinh đô Phú Xuân, đã bỏ chạy ra Thăng Long, đóng đô ở cạnh Tây Hồ. Tây Hồ vẫn được coi là hồ có nhiều mây mù hay mù sương (Dâm Đàm)”(sđd, tr.163). Chúng tôi hiểu theo hướng khác Phan Duy Kha, câu [5]: Mây còn bị giữ trong cung ở Tây Hồ. Ngô Thì Hoàng ám chỉ ở lăng (giả) vua Quang Trung ở Tây Hồ, có những di vật như bia “thánh đức”, bia do vua Càn Long tặng, nói lên cái vinh quang (đường mây) của tiên đế Quang Trung đã bị chôn vùi, che lấp. Cung ở đây là lăng như Ngô Thì Nhậm từng gọi Đan Dương lăng là Đan Dương cung điện.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, do giữ bí mật ban đầu và do bang giao với triều Thanh, triều Tây Sơn đã dựng 2 lăng cho tiên đế Quang Trung. Lăng thật vua Quang Trung táng ở kinh đô Phú Xuân, thuộc bờ Nam sông Hương, về sau triều Tây Sơn đứng đầu là vua Cảnh Thịnh, thường cùng đại thần bái tảo, tế lễ và khi Ngô Thì Nhậm vào triều cận từ năm 1796 thường phụng ký thơ để ghi chép việc bái tảo. Sau khi chiếm lại Phú Xuân, vua Gia Long ra lệnh quật mộ hai vợ chồng vua Quang Trung, nhận dạng xác ướp để xác minh thật hay giả, đem bêu ở một số chợ ở kinh thành để thị chúng và để kiểm chứng thật giả đối với số đông dân chúng. Từ khi Nguyễn vương Phúc Ánh quật mồ vợ chồng vua Quang Trung (năm Tân Dậu 1801) đến tháng 11 năm Nhâm Tuất thì vua Gia Long đã thanh toán nốt triều Tây Sơn. Trở lại kinh thành Phú Xuân vào mùa đông năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long đã tổ chức lễ Hiến Phù, trước từ đường chúa Nguyễn, công khai việc «tận pháp trừng trị» vua quan Tây Sơn.

“Triều Tây Sơn bàn nhau dựng lăng giả ở Tây Hồ, Thăng Long, dâng sớ lên triều Thanh, dối  rằng tiên đế dặn khi ngài băng thì táng sao cho gần thiên triều. Làm việc trên, triều Tây Sơn chứng tỏ lòng trung sâu sắc (“đan thâm”) của tiên đế với vua Càn Long, qua đó giúp sứ giả dễ vận động  thiên triều sớm phong An Nam quốc vương cho vua Cảnh Thịnh (theo Đại Nam chính biên liệt truyện): “Sai thị trung Đại học sĩ Ngô Nhậm, Hộ bộ tả đồng nghị là Nguyễn Viết Trực, Hộ bộ tả thị lang là Nguyễn Văn Thái, sang nước Thanh báo tang, nói dối là Huệ dặn sau khi chết rồi táng ở Tây Hồ Bắc thành, ngõ hầu được gần cửa nhà vua để nương tựa, vua nước Thanh tin lời, cho tên thụy là Trung Thuần, thân làm một bài thơ để viếng”(sdd, tr. 560). Sứ giả nhà Thanh là Thành Lâm, mang lễ vật qua Thăng Long, đến mộ giả ở Tây Hồ, tuyên đọc chiếu phúng điếu và cho khắc đá bài thơ viếng Tiên hoàng Quang Trung của vua Càn Long, trong đó có câu “膝下魂如父子親” (Tất hạ hồn như phụ tử thân) (Vong vị từng dưới gối thân tình như cha con) 鄰其 忠  坤出中禛 (Lân kỳ trung khôn xuất trung chân) (Thương về lòng trung thuận từ đáy lòng tỏ ra).

Trần Viết Điền (còn nữa)

 

Entry filed under: Uncategorized.

Phan Duy Kha trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam về NGỌC PHẢ HÙNG VƯƠNG Thư viện tỉnh Quảng Ninh giới thiệu sách của Phan Duy Kha

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Tư 2017
H B T N S B C
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930

Most Recent Posts