Những công bố kỳ cục, những câu chuyện kỳ khôi cười ra nước mắt

Tháng Chín 8, 2013 at 4:26 sáng 5 bình luận

                                                           Phan Duy Kha

Bà Âu Cơ được phong là công chúa, Lạc Long Quân thì phụ trách trại lính, An Dương Vương Thục Phán là người họ Lê, tướng Cao Lỗ đánh lừa vua Hùng Duệ Vương, danh nhân văn hóa Ngô Thì Nhậm lại là kẻ đốt kho sách ở Văn Miếu…Ở đâu ra những câu chuyện kỳ quặc như vậy? Những điều trình bày dưới đây nhằm giải đáp câu hỏi đó.

.

*

sach_hd1Có bạn viết thư hỏi: Tôi đọc trên mạng “Họ Đỗ Việt Nam” được biết một chi tiết như sau: Hùng Duệ Vương sinh 22 con trai, 24 con gái. Thời kỳ đầu thông minh chính trực. Từ khi lấy con gái họ Lê thì đam mê tửu sắc, bị Thục Vương và Cao Lỗ lừa cho uống rượu say, lại được người con gái họ Lê (là cô ruột Thục Phán ) sai khiến đến nỗi giết hết con trai con gái rồi mang họa diệt thân (khi chết còn say chưa tỉnh). Thậm chí 2 chàng rể là Nguyễn Tuấn và Chử Đồng Tử đều chết về tay Cao Lỗ và Thục Phán… Xưa nay tôi đọc sử chỉ thấy Hùng Duệ Vương có hai con gái là Tiên Dung và Ngọc Hoa còn  Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì cùng bay lên trời… Sao bây giờ  lại có những thông tin lạ như thế ?

Ảnh trên: Cuốn sách Họ Đỗ Việt Nam, do PGS Đỗ Tòng chủ biên, một cuốn sách sử dụng nhiều thông tin mơ hồ trong Cổ Lôi ngọc phả truyền thư

                                                    *

Những thông tin lạ từ một tập giấy in vi tính

Đọc thắc mắc của bạn làm tôi lại nhớ lại câu chuyện cách đây trên 20 năm. Vào khoảng thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, trong một cuộc hội thảo về dòng họ, tôi được một người không quen biết dúi vào tận tay một tập giấy khổ A4 đánh máy vi tính, với lời dặn: “Anh về đọc đi, trong này có nhiều thông tin mới lạ, đặc biệt lắm!” Trong các cuộc hội thảo của ta, việc người này, người nọ dúi vào tay nhau những tập tài liệu, đó là những bài báo được phô tô lại, hoặc bài in vi tính chưa được đăng báo, nhưng tác giả muốn chia sẻ thông tin cho nhiều người cùng biết. Vì vậy, tại các cuộc hội thảo mà người dự đa phần là các nhà nghiên cứu thì việc dúi vào tay nhau những tập tài liệu là chuyện bình thường, không có gì đặc biệt cả.

Về nhà, tôi bình tĩnh mở ra xem. Đó là tập “Phả họ Nguyễn Thanh Oai – Văn Nội” được trích dịch từ bộ  “Cổ Lôi ngọc phả truyền thư” (xin viết tắt là Cổ Lôi ngọc phả), nghe nói đây là một bộ sách cổ, quý giá, do một lần họ này đục tường làm nhà gì đó, mới phát hiện ra ở trong hốc tường(!) Tôi đã đọc một mạch hết tập tài liệu. Đúng là có nhiều thông tin đặc biệt, mới lạ thật. Những thông tin này mà công bố lên sách báo thì là chuyện giật gân, động trời đây. Này nhé: Kinh đô cũ Phong Châu của vua Hùng không phải ở khu vực đền Hùng, Phú Thọ hiện nay, mà ở làng Văn Nội, xã Phú Lương, Thanh Oai, Hà Tây (tên cổ là Cổ Lôi hay Vân Lôi, gần Ba La – Bông Đỏ, nay thuộc Hà Nội). Kinh đô Phong Châu gọi là thành Ong (ở Văn Nội) có lịch sử lâu đời 7.000 năm, còn Đền Hùng chẳng có giá trị gì vì mới chỉ được xây dựng vào đời vua Khải Định (1916- 1925). Rồi thì người chỉ huy 20 vạn quân Tây Sơn tấn công quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa năm Kỷ Dậu (1789) lại là Nguyễn Thiếp và 4 người con trai của ông. Nguyễn Thiếp được phong là Phó Nguyên soái Quảng Oai hầu, được thay mặt vua Quang Trung trong việc Tổng chỉ huy quân đội, tấn công ra Bắc Hà, còn vua Quang Trung đi theo chẳng có vai trò gì, vì chỉ là Quang Trung giả. Rồi thì, Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội mới có từ đời Hậu Lê, cụ thể là năm 1442, còn Văn Miếu ở làng Đa Sỹ ( Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) mới là Văn Miếu lâu đời của Việt Nam ta, nhưng đã bị Ngô Thì Nhậm người làng Tả Thanh Oai làm quan thời Tây Sơn, đốt mất (con cháu danh nhân Ngô Thì Nhậm có thể kiện những người viết sách ra tòa vì chi tiết bịa đặt, bôi nhọ này) v . v. . . Toàn là chuyện động trời, xưa nay chưa từng có sử sách nào ghi chép.

Nhưng tại sao những thông tin đặc biệt như thế này mà xưa nay không ai được biết? Thì đây, chính Ngọc phả đã trả lời. Số là tổ tiên của dòng họ Nguyễn đã quy định với nhau rằng, đây là những thông tin “mật” trong nội bộ hoàng tộc (là người họ Nguyễn ở Văn Nội tự nhận thế), “Bất dụng tha nhân biệt ngoại truyền”  (tuyệt đối không được truyền cho người ngoài). Ở đầu mỗi đề mục đều có câu này để nhắc nhở người sử dụng. Đây là lời truyền trong dòng họ mà các thành viên phải tự giác phục tùng. Đến nỗi, đoàn nhà vua về đây, thì các quan chép sử cũng không được phép biết. Bí mật này chỉ trong dòng họ được biết. Thậm chí sử sách của triều đình (chẳng hạn như Đại Việt sử ký toàn thư) thì cũng chỉ ghi được những lời truyền trong dân gian, chứ còn sự thật lịch sử đều nằm trong các cuốn phả này cả. (Đến đây, người đọc có thể tự hỏi: vậy sao bây giờ người ta lại dịch ra để phát cho mọi người, không sợ vi phạm lời truyền của dòng họ ?)

Sau đó một thời gian, trên các sách báo tạp chí của ta bắt đầu xuất hiện những bài viết giật gân “phát hiện” những chi tiết “mới” trong lịch sử, đặt vấn đề cần nhìn nhận lại, cải chính lại lịch sử cho chính xác. Tất cả những thông tin đòi “cải chính lại lịch sử” đó đều khai thác từ Cổ Lôi ngọc phả và tập “Phả họ Nguyễn” in vi tính được phát trên kia. Những người tích cực cổ súy cho những thông tin “mới” này có thể kể:  GS Bùi Văn Nguyên, PGS Đỗ Tòng, Võ Trọng Thái, …Thậm chí, có người cả đời không viết một bài nghiên cứu lịch sử nào, bây giờ thấy thông tin giật gân quá không đừng được, cũng viết một bài như ông Phan Trọng Cung nào đó với bài “ Những điều mới phát hiện về thân thế và sự nghiệp của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp”  đăng trong cuốn “Các phương pháp sử dụng tiểu sử danh nhân phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các nước châu Á” (Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004). Tất cả các tác giả trên dù đề cập đến sự kiện lịch sử nào thì đều thống nhất ở một điểm: Đó là các ghi chép đều lấy từ trong Cổ Lôi Ngọc phả để góp phần “phát hiện lịch sử”, cải chính lịch sử, xem xét lại những bộ sử chính thống như Đại Việt sử ký toàn thư. Tất cả những bài báo đó rộ lên một thời kỳ (những năm 90 và đầu những năm 2.000) rồi dần dần tắt ngấm. Thế nhưng, một số người đã kịp đưa vào sách để “lưu hành ở đời” gây nên những hiểu lầm tai hại.

Những hệ lụy từ những thông tin không được kiểm chứng. P1070388P1070389P1070390

Những thắc mắc mà bạn hỏi trên kia là lấy từ trang mạng “Họ Đỗ Việt Nam”, còn trang mạng “Họ Đỗ Việt Nam” lại trích dẫn từ cuốn sách “Lễ hội và danh nhân lịch sử” của tác giả Hà Tùng Tiến (Nxb Văn hóa – Thông tin, 1997). Trong cuốn sách này, một số danh nhân lịch sử như An Dương Vương Thục Phán cũng được tác giả khai thác từ cuốn sách Cổ Lôi ngọc phả  ở trên. Thậm chí đến nay, vì tin vào thông tin trên mà một dòng họ Lê Đại tộc đã nhận Thục Phán là ông tổ họ mình. Xin trích một đoạn: “An Dương Vương Thục Phán là ông tổ họ Lê. Thục Phán An Dương Vương là người họ Lê ở Mỹ Đức, con cháu dòng họ Lê Đại tộc bắt nguồn từ đây, trải qua 2.230 năm hình thành và phát triển đất nước, từ năm 258 tr.CN đến nay, dòng họ Lê đã cống hiến không biết bao nhiêu là xương máu cho Tổ quốc, nổi bật là hai triều đại Tiền Lê và Hậu Lê. Đó là niềm tự hào cho tất cả những ai mang dòng máu họ Lê để nhớ mãi. Cội nguồn của chúng ta là Thục Phán An Dương Vương, là ông tổ của dòng họ Lê Đại tộc (Sdd, tr.233)” . Và: “Hùng Vương tính ra đúng 2622 năm, đến Hùng Vương thứ 18 thì nhường nước cho An Dương Vương là dòng họ Lê. Như vậy, cụ An Dương Vương là ông tổ của dòng Lê Đại tộc” (Sdd, tr. 234). Trong khi các nhà nghiên cứu còn chưa biết được nguồn gốc xuất xứ của vua Thục ở đâu, dân tộc gì, thì người ta ngây thơ cả tin vào những ghi chép của một cuốn sách không rõ nguồn gốc, coi Thục Phán là Lê Phán, quê ở Mỹ Đức (!)Không những thế, người ta còn biết đến người cô ruột của Thục Phán là vợ của vua Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18). Chính bà Lê Thị vợ vua này là tay trong, đã đồng mưu với Cao Lỗ (tướng của Thục Phán) xúc xiểm để đến nỗi Hùng Duệ Vương giết chết 24 con trai  và 22 con gái của mình (!) Không hiểu sao những điều nhảm nhí như thế mà người ta cũng tin được để đưa vào sách, để gây hiểu lầm cho những người nhẹ dạ, cả tin. Và không hiểu sao cả một dòng họ Đại tộc, ắt phải có nhiều người học rộng, tài cao, uyên thâm, uyên bác lại nhẹ dạ, cả tin đến mù quáng  như thế ?  Người ta không nghĩ rằng, nếu tin như vậy thì không có đền Hùng, không có thành Cổ Loa, không có cả Mê Linh, Hát Môn (nơi hai bà Trưng phất cờ khởi nghĩa) vì tất cả những địa danh ấy đều ở Văn Nội (!)

Nhưng không chỉ có cuốn sách của Hà Tùng Tiến. Một cuốn sách khác cũng khai thác tư liệu từ cuốn Cổ Lôi ngọc phả, đó là cuốn “Nữ lưu đất Việt” của hai tác giả Lê Duy Anh và Lê Hoàng Vinh (Nxb Đà Nẵng, 2006). _fill_300_p18246Cuốn sách này cũng ghi những điều rất lạ. Ví dụ, về bà Âu Cơ, sách ghi như sau: “ Tổ Mẫu Âu Cơ mang họ Ngô, có tên thụy là Căn Kỷ công chúa, đời chúa Trịnh truy tặng bà hiệu Tần Ngô Thục Đức Đoan Trang Công Chúa. Bà mất ngày 5/ 5, mỗi làng giỗ bà cùng một ngày cho đến ngày 20/ 5 âm lịch hằng năm. Quốc lễ gọi là Đoan Dương tết. Mộ bà táng tại Đồng Láng, Khả Lãm (Bác Lãm) dưới thời vua Khải Định triều Nguyễn, hài cốt bà được chuyển về chùa Thượng Mạo, gọi là mộ bà Căn Kỷ, làng Trinh Lương gọi bà là Năn Nỉ, có nơi còn gọi bà là bà Chúa Lính. Bởi vì sinh thời, bà thường giúp chồng chăm sóc cho gia đình binh lính.Dưới triều Nguyễn còn có ruộng lính hay ruộng bà Chúa Lính (Sdd,  tr.12, 13). Ô hay, bà Âu Cơ là mẹ chung của toàn dân tộc Việt Nam, sao bà lại mang họ Ngô? Là Quốc Mẫu, sao bà lại chỉ được phong là Công chúa? Công chúa con vị vua nào vậy? Và sao bà lại thường giúp chồng chăm sóc binh lính? Lạc Long Quân phụ trách trại lính bao giờ vậy?

Nhưng có lẽ cuốn sách khai thác tư liệu từ Cổ Lôi ngọc phả nhiều nhất đó là cuốn Việt Nam và cội nguồn trăm họ của GS Bùi Văn Nguyên. Chừng như ông GS này nhìn thấy trong cuốn sách kia một kho tàng đồ sộ tư liệu về lịch sử Việt cổ nên ông khai thác triệt để, khai thác vô tội vạ. Trong cuốn sách của GS Bùi Văn Nguyên, ông quy tất cả con dân đất Việt đều từ họ Nguyễn mà ra cả. Mà họ Nguyễn này lại có gốc gác từ 7.000 năm nay tại cái làng nhỏ, bình thường là làng Văn Nội.

Về cuốn sách Việt Nam và cội nguồn trăm họ của GS Bùi Văn NguyênP1070365

Trước hết, chúng ta cần khẳng định một điều này: Các vua Hùng là con cháu của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Mà Lạc Long Quân – Âu Cơ là thủy tổ trăm họ của dân tộc ta. Người Việt Nam ta đều là con cháu của Lạc Long Quân – Âu Cơ, con cháu của các vua Hùng. Không một họ nào có thể độc chiếm tổ tiên con Rồng cháu Tiên cả. Nói họ Nguyễn mới là con cháu của các vua Hùng là một điều hết sức nực cười! 

Cho đến nay, theo tôi biết thì ngành xuất bản của chúng ta mới chỉ xuất bản hai cuốn sách bàn đến họ của các vua Hùng. Đó là cuốn “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” của tác giả Bùi Văn Nguyên (Nxb Khoa học xã hội, 2001) và cuốn “Huyền thoại hay sự thật cội nguồn cha Rồng mẹ Tiên” của tác giả Võ Trọng Thái (Nxb Văn hóa dân tộc, 2002). Trong hai cuốn sách này, thì cuốn sách của Võ Trọng Thái, được quảng cáo rùm beng, làm ồn ào một dạo, gây bức xúc dư luận nên ba tháng sau khi phát hành đã bị thu hồi để hủy. Còn cuốn của Bùi Văn Nguyên thì lặng lẽ, âm thầm, ít ai để ý đến, nên chẳng ai đặt vấn đề thu hồi, mặc dầu cả hai cuốn có nội dung tương tự nhau, và đều khai thác tư liệu chủ yếu từ “Cổ Lôi ngọc phả truyền thư” .Cuốn sách của Võ Trọng Thái đã bị thu hồi và bị hủy, nên ở đây không nhắc lại nữa, mà chỉ nhắc đến cuốn sách của Bùi Văn Nguyên, mục đích để bạn đọc, các nhà nghiên cứu tham khảo biết để tránh sử dụng những thông tin trong cuốn sách này.

Mở đầu cuốn sách trên, tác giả viết: “Theo cuốn Bách Việt ngọc phả truyền thư tại nhà thờ họ Nguyễn gốc ở làng Vân Lôi, thuộc đất cố đô cổ ở Phong Châu, nay là làng Văn Nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, thì vị Hoàng đế họ Phục Hy đã có công khai sáng đất nước ta từ buổi đầu ở vùng rừng núi phía tây dãy núi Ba Vì , tính đến thời đại chúng ta đã trên 7.000 năm” (Sđd tr21) . Và: “Như vậy, Nhị Hoàng Phục Hy, Thần Nông là những vị vua lớn có một không hai ở phương Đông và Đông Nam Á, những vị vua có thật, có con cháu trăm họ còn lại đến nay ở nhà thờ gốc họ Nguyễn ở Vân Lôi, Thanh Oai (Hà Tây)” ( Sđd tr54). Cứ thế, ông Bùi Văn Nguyên vô tư trích dẫn Cổ Lôi ngọc phả hay Bách việt ngọc phả để chứng minh cội nguồn dân tộc Việt Nam : Đế Minh là Nguyễn Minh Khiết, Đế Nghi là Nguyễn Nghi Nhân, tất cả đều là họ Nguyễn gốc làng Văn Nội. Rồi thì, Kinh Dương Vương là Nguyễn Lộc Tục: “Lộc Tục có 5 con trai : Hai người đầu là Nguyễn Nghiêm và Nguyễn Thôi theo bà nội là Hương Vân Cái bồ tát đi tu theo đạo Bà la môn (đạo Bà La Môn hình thành ở Ấn Độ vào khoảng năm 800 trCN, tức cách ngày nay khỏang 2.800 năm, vậy cách đây 7.000 năm có đạo Bà La Môn nào ở Việt Nam vậy?). Con trai thứ ba là Nguyễn Lãm, sau đổi là Hùng Lãm, rồi lại đổi là Sùng Lãm được vua cha là Kinh Dương Vương yêu quý truyền ngôi cho. Đó là vua Lạc Long Quân” (Sđd, tr.84). Kinh đô Phong Châu không phải ở khu vực Đền Hùng ngày nay, mà ở Văn Nội. Một làng nhỏ Văn Nội nhưng đã là kinh đô 5.000 năm của Việt Nam ta (từ khi lập quốc cách đây 7.000 năm đến đời vua An Dương Vương): “Nhân dịp hậu duệ của các tổ Phục Hy- Thần Nông xây dựng đô thành (tức thành Đá Ong) và Nghĩa Lĩnh (tức động Hoa Cái) ở khu rừng Nai Thiêng (Mê hoặc Mi Linh) tức vùng Vân Lôi (Văn Nội ) hiện nay, Sở Minh Công vừa chính thức đổi tên dân tộc Kinh sang Sở, vừa đặt tên họ gốc cho ba con trai của mình trên danh nghĩa là vua trăm họ giống Việt. . .Cái gò đất , hay nói cho đúng là núi đất ở Vân Lôi xưa kia là Phong Châu, nơi hình thành họ Nguyễn đầu tiên, từ vua cha là Sở Minh Công” (Sđd tr 64,65)

Nhưng không chỉ các vua Hùng mang họ Nguyễn mà hầu hết các anh hùng dân tộc, các danh nhân Việt Nam, kể cả các nhân vật trong truyền thuyết đều là người họ Nguyễn và đều có gốc từ Văn Nội. Ví dụ như Thánh Gióng, không phải là cậu bé ba tuổi người làng Phù Đổng mà là chàng thanh niên có tên là Nguyễn Cương, gốc họ Nguyễn ở Văn Nội: “Có anh thanh niên họ Nguyễn hoàng tộc lâu nay lầm lì, ít nói, nay bỗng vui vẻ, cùng các bạn trẻ luyện tập võ bị. Anh tên là Cương vốn giỏi các thế võ dân tộc như múa quyền, đánh côn, đánh kiếm. .. Anh đặc biệt có chiếc roi bằng chất liệu hỗn hợp, hỗng ruột để chứa dầu bên trong, khi đốt cháy quất mạnh thì phun lửa ra ngoài” (Sdd , tr.136). Hình ảnh người anh hùng Thánh Gióng kỳ vĩ của dân tộc ta bị tầm thường hóa và dung tục hóa như thế đấy. Còn Triệu Đà lại là Nguyễn Cẩn tức Lý Thân tức là Lý Ông Trọng, cháu ruột của vua Hùng  (về nhân vật Triệu Đà, tôi đã có bài viết “Triệu Đà là con cháu vua Hùng … đã đăng ở bài  trước). Hai Bà Trưng cũng mang họ Nguyễn. Bà Trưng Trắc tên là Nguyễn Thị Lý, bà Trưng Nhị tên là Nguyễn Thị Huệ, đặc biệt là hai bà lại lấy hai anh em ruột họ Nguyễn. Bà Trưng Nhị là em lại lấy ông anh, là Nguyễn Đặng Xuân, còn bà Trưng Trắc là chị thì lại lấy ông em là Nguyễn Đặng Diên, tức Thi Sách (tr 258). Mê Linh cũng ở Văn Nội, mà Hát Môn nơi hai bà dấy nghĩa cũng ở Văn Nội.  Rồi thì những nhân vật lịch sử mà chúng ta biết rất rõ gốc tích thì cũng được cho là có gốc tích từ Văn Nội. Ví dụ, Hồ Quý Ly, chính là Nguyễn Quý Ly, vốn gốc từ Văn Nội. Quang Trung -Nguyễn Huệ (vốn gốc họ Hồ) cũng được cho là người họ Nguyễn ở Văn Nội, và là cháu của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, mà Nguyễn Thiếp cũng gốc ở Văn Nội, vì không được đi thi nên phải tha hương vào Nghệ An, đổi tên để cốt được đi thi. v. v. . . Thật là một mớ hổ lốn, được gom lại trong một cuốn sách mang danh là “biên khảo” về cội nguồn dân tộc.

Thật ra thì ông Bùi Văn Nguyên là một người tâm huyết với việc nghiên cứu cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên, do nhẹ dạ cả tin mà ông mắc phải những sai lầm rất ngớ ngẩn: Không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đã dùng một cuốn ngụy thư (sách rởm) để chứng minh cội nguồn dân tộc. Có lẽ mãi mãi sau này hậu thế sẽ còn nhắc nhiều đến ông, đến cuốn sách của ông như một điển hình về sự ngây thơ, cả tin trong công việc sưu tầm và nghiên cứu về cội nguồn dân tộc.

Tóm lại, có nhiều người mang danh là “nhà nghiên cứu”, nhiều cuốn sách mang danh là “biên khảo” nhưng đưa vào những chi tiết quái lạ, nực cười như thế đấy. Chi tiết mà bạn nêu ở trên chỉ là một trong số rất nhiều những thông tin nhảm nhí đó. Những cuốn sách của họ như những thứ hỏa mù tung vào cội nguồn dân tộc, làm cho người ta nghi ngờ, không còn biết đâu là thật, đâu là giả. Trong đó điển hình nhất là cuốn “Việt Nam và cội nguồn trăm họ” của GS Bùi Văn Nguyên, người không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, vô tình vấy bùn vào cội nguồn, không biết đến bao giờ mới gột rửa hết .

*

Bài này đã đăng trên Tạp chí Thế giới mới số 04 ra ngày 28/1/2013 (xem ảnh) . / .

PDK

Xem them:

Giới thiệu cuốn LỊCH SỬ VÀ SỰ NGỘ NHẬN của Phan Duy Kha

Entry filed under: Uncategorized.

Triệu Đà là con cháu của vua Hùng, một “giả thuyết” kỳ cục của GS Bùi Văn Nguyên Câu chuyện lùm xùm về một cuốn ngụy thư (sách dởm)

5 bình luận Add your own

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Chín 2013
H B T N S B C
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Most Recent Posts