Một hướng mới tìm lăng mộ và hài cốt HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

Tháng Bảy 17, 2014 at 3:17 sáng 2 bình luận

200px-Tượng_đài_Quang_Trung_tại_Bảo_tàng_Quang_TrungTrong bài báo “Một hướng mớí tìm lăng mộ và hài cốt của Hoàng Đế Quang Trung” tác giả Phan Quán, Đại học Văn Lang tp.Hồ Chí Minh có điểm qua một số giả thuyết  tìm kiếm Lăng mộ Quang Trung. Đặc biệt, tác giả chú ý đến Giả thuyết của tôi nêu lên trước đây rằng, Phải chăng, Lăng Quang Trung ở khu vực điện Hòn Chén? Đặc biệt tác giả đã đề cập đến sự kiện một vị Đại tá Quân đội Việt Nam Công hòa đã từng biết đến Lăng mộ Quang Trung ở khu vực này. Nhận thấy bài viết có những kiến giải mới, PDK  cảm ơn tác giả Phan Quán và xin giới thiệu cùng bạn đọc. Sau đây là nguyên văn bài viết. Bài đã đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 481 ra ngày 20.3.2013
PDK
*
MỘT HƯỚNG MỚI TÌM LĂNG MỘ VÀ HÀI CỐT  HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

Phan Quán

Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ là một vị anh hùng dân tộc vĩ đại, kết tinh những tư tưởng, tình cảm tài trí của nhân dân Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII. Điều chúng ta lấy làm nuối tiếc là cái chết đầy bí ẩn của Hoàng đế Quang Trung. Sau khi Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân (năm 1802), ông ta đã tìm mọi cách trả thù thâm độc, mồ mả cả ba anh em Tây Sơn Tam Kiệt và những người trong tộc họ…đã bị đào bới, đập phá tiêu hủy cả hài cốt. Có thật sự Nguyễn Ánh đã tìm ra mộ Hoàng đế Quang Trung để thực hiện được ý đồ đó?
Mới đây, Trung quốc đã tìm ra lăng mộ của Ngụy Vũ Đế Tào Tháo (155 – 220), chết tại Lạc Dương, mộ ở làng Tây Cao Huyệt, thành phố cổ An Dương – tỉnh Hà Nam. Tào Tháo là một người tài giỏi, nhưng đại gian hùng, đã lập đến 72 mộ giả đế lừa kể thù. Hoàng đế Quang Trung chết cách đây hơn 220 năm và Hoàng đế chắc cũng có ý định lập gia nhiều mộ giả. Ở Linh Đường (phía Nam ga Giáp Bát – Hà Nội) có một mộ giả xây lên để lừa sứ nhà Thanh. Việc Trung Quốc tìm ra được mộ Tào Tháo thôi thúc chúng ta thấy cần phải tìm ra mộ của Hoàng đế Quang Trung là cấp bách và cần thiết.

Từ nhiều thế kỷ qua, một số nhà khoa học đã dày công khảo sát trên thực tế, lần tìm dấu tích ở Huế,tập trung các tài liệu trong các kho lưu trữ quốc gia và địa phương có liên quan đến Hoàng đế Quang Trung. Sau đây xin điểm lại những hướng tìm lăng mộ ở Huế.
Những hướng tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở Huế
Trong tác phẩm Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung của TS Đỗ Bang đã đề cập hai hướng tìm mộ Hoàng đế Quang Trung:
– Một, về lăng Ba vành ở làng Cư  Chánh:
Địa danh này đã được tác giả Đỗ Bang xác định là mộ của Ý Đức hầu Lê Quang Đại, chết vào đầu năm 1746, bị kẻ gian đào trộm để lấy của quý, lấy cớ là để di chuyển hài cốt đến một nơi khác. Vào đầu thế kỷ XX, con cháu họ Võ đem thân nhân vào chôn ở đó. Muốn tận dụng tấm bia sẵn có nên đã đục xóa những chữ trên bia để khắc tên mới vào năm Nhâm Tuất (1922)?
– Hai, về hướng điện Đan Dương:
Hiện nay, các nhà sử học vẫn chưa biết rõ vị trí của điện này ở nơi nào tại kinh đô Huế. Khi Hoàng đế Quang Trung chết, điện Đan Dương biến thành lăng Đan Dương, sau đó sử dụng làm lăng Hoàng đế Quang Trung. Nhiều bài thơ của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Chú đều xác nhận có một lăng Đan Dương, trong đó có bài Khâm Vãn Đan Dương lăng. Như vậy có một lăng Đan Dương ở gần trung tâm thành phố Huế. Chính Ngọc Hân Công chúa trong khúc ngâm Ai Tư Vãn cũng có nhắc đến:
… “Vội vàng sửa áo lên chầu
Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện răng”…

Và biết đâu ở Đan Dương có lập một ngôi mộ tượng trưng của Hoàng đế Quang Trung. Nhưng chắc chắn điện Đan Dương, và sau đó có sử dụng làm lăng Hoàng đế Quang Trung, là một tòa lâu đài đồ sộ “trước lầu nhện răng” đã bị Nguyễn Ánh cho san bằng thành bình địa năm 1802 sau khi chiếm được Phú Xuân. Từ đó đến nay, lăng Đan Dương bị mất dấu, vị trí lăng ở đâu vẫn là điều bí ẩn!
Trong tác phẩm “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung” của nhà nhiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tác giả đã tìm ra dấu vết cung điện Dan Dương
– Nơi được xem là vị trí lăng mộ vua Quang Trung. Trên số Xuân Canh Dần (năm 2010) của báo Gia Lai, tác giả Thanh Vân đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nêu lên hai luận cứ sau đây:
– Thứ nhất: Trong thơ Phạm Huy Chú (Thực ra là Phan Huy Ích. PDK chú thêm) cho biết, khi ông ở trọ trong ngôi chùa để làm việc với Thái sư Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm, “Bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu” với ông. Điều này chứng tỏ lăng vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm.
– Thứ hai: Nhà khảo cổ học người Pháp Pierre Poivre trong bút ký kỷ hành (Voyage), cho biết vào năm 1749, ông có đến cung điện Mùa Đông (tức phủ Dương Xuân) trên một cái gò có một cánh nhìn ra sông, trước cung điện có một cái hồ.Ông Nguyễn Đắc Xuân cho biết, vùng hoang địa này có những cái giếng hoang, dân địa phương gọi là “giếng loạn”, có nhiều mồ chôn gọi là “mả loạn”. Nơi đây phát hiện nhiều gạch đá táng cột, đá lát, đá ghế đá, chóp trụ đá và nhiều loại đá khác từ dưới đất bị nước mưa chảy xói trơ ra, hoặc đào đất bắt gặp nhiều nơi. Vùng này thuộc đất của xã Dương Xuân, cũng có tên là Long Sơn, sau triều Nguyễn đổi lại là đất Bình An.
Từ hai luận cứ trên, Ông Nguyễn Đắc Xuân kết luận, có một lăng vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm, chùa này ở ấp Bình An, phía Nam sông Hương và phía Bắc đàn Nam Giao, nguyên là một bộ phận của phủ Dương Xuân.
Qua những phát hiện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cho ta thấy ông cũng chỉ tìm ra dấu tích của cung điện Đan Dương, mà cũng có thể chưa khẳng định nơi đây có lăng mộ vua Quang Trung. Vậy lăng mộ vua Quang Trung ở đâu, vẫn còn là một ẩn số!
Trong bài Miệng chén ngọc hay cái huyết yểm của tác giả Phan Duy Kha đăng trên báo An ninh Thế giới số 537, có viết: Bài “Ai Tư Vãn” của Ngọc Hân Công chúa khóc chồng rất ai oán, thảm thiết, có đoạn:
… “Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo dòn don
Cầu tiên khói tỏa đỉnh non
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu”…
Ở đây, “Xe rồng thăm thẳm” là xe trở thi hài vua đi vào huyệt mộ. “Cầu tiên” là chỉ cây cầu của “Tiên” ( chỉ người đã khuất) trên đường đi lên thiên đàng. Nhà thơ Ngô Thì Nhậm khi nói đến lăng Đan Dương cũng nhắc đến một đỉnh núi “Đỉnh hồ phiếu diểu vọng Đan Dương” ( Đỉnh mây vời khuất nhớ Đan Dương). Đặc biệt nhà thơ Ngô Thì Hoàng khi viết về vua Quang Trung.
– Nguyễn Huệ có một bài Vịnh sử, trong đó có câu:
“Tây Hồ cung lý vân như tỏa
Ngọc Trản  phong đầu, thổ vị can”
(trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín – chỉ cung điện của vua Quang Toản sau khi chuyển ra Thăng Long. Đầu núi Ngọc Trản, đất đắp mộ còn chưa khô – chỉ lăng mộ Quang Trung trên núi Ngọc Trản mới chôn chưa được bao lâu). Ở đây, Ngô Thì Hoàng chỉ đích danh trên núi Ngọc Trản là lăng mộ vua Quang Trung. Ngô Thì Hoàng là em ruột Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Trí, hai vị đại thần nhà Tây sơn. Vì vây, thông tin về lăng mộ vua Quang Trung trên núi Ngọc Trản có thể chính xác.
Lịch sử đã từng viết, nhà Nguyễn khi khai quật phá mộ của dòng họ Tây Sơn đều đào “ huyệt yểm” làm cho đứt long mạch, mục đích để nhà Tây Sơn không thể “ngóc đầu dậy được” (một quan niệm về tâm linh). Ngay mổ tổ 4 đời của vua Quang Trung ở làng Thái Lão (Hưng Nguyên – Nghệ An), sau khi bị đào bới, quật phá cũng đã bị yểm huyệt, cho đến năm 1078 (1978?), người ta còn thấy cái “huyệt yểm” đó. Đối với cụ tổ 4 đời còn bị đối xử như thế thì đối với lăng mộ vua Quang Trung, việc đào huyệt yểm là không thể bỏ qua.
Từ những phân tích trên, tác giả Phan Duy Kha kết luận: Muốn tìm lăng mộ vua Quang Trung phải thỏa mãn hai điều kiện:
– Lăng mộ vua Quang Trung phải ở trên đỉnh núi
– Lăng mộ đó sau khi bị quật phá đã bị yểm huyệt
Từ đó, tác giả cho rằng, núi Ngọc Trản (Hòn Chén) chính là nơi đã tồn tại lăng Đan Dương và cái miệng “Chén Ngọc” ấy có thể là huyệt yểm của Gia Long.
Nay, chúng tôi góp ý về một hướng mới để tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung theo gợi ý của tác giả Phan Duy Kha. Đây là một câu chuyện tình cờ mà chúng tôi được biết có liên quan đến ngôi mộ Hoàng đế Quang Trung. Tôi có người bạn tên là T.Đ.S, trước năm 1975 là bạn học ở đại học Huế, ông bị bắt đi lính và trở thành một đại úy phục vụ ờ Bộ tư lệnh sư đoàn I – Huế. Mới đây, tôi gặp lại ông và được nghe ông kể cho một câu chuyện có liên quan đến lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, rất phù hợp với lập luận của tác giả Phan Duy Kha.
Vào tháng 4.1973, trong một phi vụ công tác bằng trực thăng có 5 người: – ông đại tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn I- Sư đoàn I Bộ binh, tùy viên của ông Đại tá ông T.Đ.S, phi công và một thường dân. Khi đến gần Huế, trực thăng đáp xuống một ngọn đồi phía sau điện Hòn Chén. Ông đại tá và người thường dân bước xuống đi vào cánh rừng sau điện này. Số người còn lại vẫn ngồi trên trực thăng. Trong thời gian chờ đợi, tùy viên của ông đại tá đã tìm ra mộ Hoàng đế Quang Trung và hiện ông đi thăm mộ đó. Việc tìm ra mộ Hoàng đế Quang Trung là nhờ các cuộc hành quân của ông vào vùng này, có tiếp xúc với dân cư ở đây. Tuy nhiên, ông đại tá vẫn muốn giữ bí mật vì một ý đồ nào đó! Khi hai người trở lại trực thăng đều không nói gì cả và trực thăng bay về Bộ Tư lệnh ở Gia Lê. Sau năm 1975, ông đại tá mất tích và câu chuyện về lăng mộ Hoàng đế Quang Trung cũng rơi vào quên lãng!
Theo ông T.Đ.S, sau điện Hòn Chén là một cánh rừng, ở đây có 3 đỉnh núi, tạo ra ba khe nước đổ vào sông Hương ở trước mặt. cảnh quan ở đây đượm nét “non nước hữu tình” Nếu có một lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung cũng là điều hợp lý! Muốn đi đến nơi này có hai hướng:
– Một, đi bằng thuyền dọc sông Hương
– Hai, đi lên hướng lăng Tự Đức, rồi qua đồi Vọng Cảnh. Về hướng Tây là khúc sông Hương Từ thượng nguồn đổ nguồn về, chảy bao quanh lấy mấy hòn núi bên kia và tòa nhà bên sườn núi hơi khuất sau rặng cây là điện Hòn Chén (Huệ Nam Điện) trên núi Ngọc Trản. Theo các bô lão ở Huế kể lại, cư dân ở sâu trong rừng của điện Hòn Chén sống rất biệt lập, họ làm nghề nương rẫy và săn thú. Nhóm cư dân này di dời từ thành phố Huế đến đây vào năm Nguyễn Ánh chiếm được kinh đô Phú Xuân (1802). Có thể họ là những người có nguồn gốc ở Tây Sơn – Bình Định, quê hương của Hoàng đế Quang Trung, gồm các cận thần, lính cận vệ của Hoàng đế … đã trốn lánh vào đây. Nếu trên đỉnh núi ở sau điện Hòn Chén có lăng mộ Hoàng đế Quang Trung và được giữ bí mật đến ngày nay thì điều ấy cũng dễ hiểu!
Hé lộ lăng mộ và hài cốt Hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An?
Mới đây trên website wwww. Vinhcity.gov.vn có đưa ra một ý tưởng mới với bài viết: Hé lộ lăng mộ và hài cốt Hoàng đế Quang Trung có thể tại Nghệ An? Của tác giả Nguyễn Hữu Báo (Báo Công an nghệ an). Theo tác giả thì lăng mộ và hài cốt Hoàng đế Quang Trung có thể tại Nghệ An với những lập luận sau đây:
1. Đất Huế của nhà Nguyễn, người nhà Nguyễn ắt sẽ giám sát chặt chẽ mọi động tĩnh của chiều Tây Sơn. Cho nên, mộ tìm được ở Huế là mộ thật và thi hài đã bị xử lý đúng như xử lưu hành là sự thật.
2. Thông thường các triều đại phong kiến, mộ của vua được xây khi còn sống (một mộ thật và nhiều mộ giả). Đặc biệt, Hoàng đế Quang Trung là người có nhiều kẻ thù (Lê, Trịnh, Thanh, Xiêm, Nguyễn…) nên không thể xây duy nhất một mộ ở Huế!
3. Ngày 1.10.1786, Hoàng đế Quang Trung đã quyết định cho xây thành Phượng Hoàng Trung Đô tại Nghệ An trên đất vua Lê Ban thưởng và đã xây miếu Tổ ở Thái Lão. Phải chăng, khi xây thành Phượng Hoàng Trung Đô, đồng thời Quang Trung cho xây lăng mộ của mình tại đây?
4. Qua lời căn dặn của Hoàng đế Quang Trung khi lâm bệnh, với Quang Toản càng rõ thêm: “…Nghệ an là đất của cha mẹ ta, đất đấy là nơi hiểm yếu có thể tin cậy được. Ta đắp thành dày để làm Trung đô. Nếu có biến cố còn có thể giữ được…”
5. Hoàng đế Quang Trung còn gọi là Trấn sở Nghệ An là Trần Quang Diệu vào và dặn rằng: “…Những việc còn lại ở Vĩnh Đô (Phượng Hoàng Trung Đô) các ngươi phải lo làm xong sớm. Nếu để chậm sẽ không có đất mà chôn…!”.
Tại cuộc hội thảo khoa học “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô” được tổ chức tại thành phố Vinh ngày 31.5.201, đã đề ra 3 nội dung:
– Vai trò Nguyễn Huệ – Quang Trung trong phong trào nông dân Tây Sơn.
– Vì sao Nguyễn Huệ lại chọn Nghệ An để xây Phượng Hoàng Trung Đô?
– Lăng mộ và hài cốt Hoàng đế Quang Trung hiện nay ở đâu?
Ở nội dung thứ, hội thảo cho rằng tài liệu lịch sử đang lưu hành của ông Nguyễn Đắc Xuân vể vấn đề này chưa thỏa đáng. Vì vậy, hội thảo đã hướng tới những đề xuất tích cực về việc tìm lăng mộ và hài cốt Hoàng đế Quang Trung ở Nghệ An.
Ý tường về lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung ở cánh rừng sau điện Hòn Chén – Huế cũng có thể là một hướng để chúng ta tìm hiểu và truy tìm theo gợi ý của ông Phan Duy Kha!
Nhiều nhà khoa học phân tích cho rằng, Hoàng đế Quang Trung là một nhà chiến lược tài ba, ông đã từng cho người đóng giả mình qua triều kiến Hoàng đế Càn Long. Khi Hoàng đế Quang Trung chết, theo di huấn, trong vòng hai tháng, long thể ông phải được chôn cất, lăng mộ phải xây đắp trong vòng bí mật, nên tang lể không linh đình và lăng mộ sẽ không quy mô, tráng lệ như ước muốn được. Đó là mộ thật, và biết đâu cũng có nhiều mộ giả, như mộ giả ở Linh Đường (Thăng Long) để đón sứ nhà Thanh sang điếu tang và có thể Nguyễn Ánh cũng chỉ phát hiện ra một mộ giả của Hoàng đế Quang Trung mà thôi!
PQ.
Trích nguồn: Báo Kiến Thức Ngày Nay số 841 ra ngày 20/03/2013 (trang 5-9)

*

Phụ chép:TÌM KIẾM LĂNG MỘ QUANG TRUNG: MIỆNG CHÉN NGỌC HAY “CÁI HUYỆT YỂM”?

Phan Duy Kha:

(Bài đăng trên báo Công an nhân dân, ngày 26.3.2006)
Lăng mộ Quang Trung, người đương thời gọi là Đan Lăng hay Đan Dương lăng. Tháng 11 Tân Dậu (1801), 6 tháng sau khi chiếm được Phú Xuân, Gia Long đã cho phá hủy lăng mộ Quang Trung, san thành bình địa. Từ đó đến nay đã hơn 200 năm, Đan Lăng bị mất dấu. Vị trí Đan Lăng ở đâu vẫn là điều bí ẩn đối với biết bao thế hệ các nhà nghiên cứu.
Tháng 10/2005, Ban dịch thuật Hán – Nôm tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu” (1771-1846) và lại một lần nữa làm lóe lên tia hy vọng tìm kiếm lại Đan Lăng.
Ngày 8/2/2006, tại Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên – Huế và Bảo tàng Huế đã tổ chức một cuộc tọa đàm mang tên “Hướng đi tìm lăng mộ Quang Trung” có mời hai tác giả Hồng Phi – Hương Nao, những người đã phát hiện ra bài thơ trên từ Thanh Hóa vào tham dự. Cuộc tọa đàm nhằm xác định một địa danh mà các nhà nghiên cứu Hán – Nôm tỉnh Thanh Hóa tạm thời phiên âm là “Khuân Sơn” trong câu thơ “Khuân Sơn họa tại bách niên phần” (Núi Khuân Sơn không ngờ lại để họa đến phần mộ trăm năm). Đây là một địa danh rất quan trọng, chỉ ngọn núi có lăng mộ Quang Trung.
Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm đó các nhà nghiên cứu Hán – Nôm Huế đã chứng minh rằng, chữ “Khuân” mà người xưa dùng để ghi tên núi Khuân Sơn được viết theo tự dạng với nghĩa “Khuân” là “kho”, là một chữ Hán chứ không phải chữ Nôm, tên địa phương. Một nhà nghiên cứu khác là ông Trần Viết Điền thì cho rằng đây là chữ “Ngụy” trong họ Ngụy, nước Ngụy (chứ không phải chữ “Ngụy” trong “ngụy tặc”).
Tuy nhiên, ở Huế xưa nay không có ngọn núi nào có tên là Ngụy Sơn. Có người lại dẫn “Khang Hy từ điển” mà bảo rằng, chữ này giống chữ “Xước”. Cuộc tọa đàm không đi đến kết luận cuối cùng. Cái chữ mà các nhà Hán – Nôm Thanh Hóa đọc là “Khuân” ấy, kết cục không ai đọc được chữ gì. Địa danh ngọn núi có Đan Lăng vẫn là một bí ẩn thách thức các nhà nghiên cứu.
Tuy không xác định được tên riêng ngọn núi, nhưng dù sao đây vẫn là một bài thơ quý, khẳng định việc nhà nho Lê Triệu đã có mặt ngay sau khi vua quan nhà Nguyễn quật phá Đan Lăng. Việc phát hiện ra nó có một ý nghĩa rất đặc biệt.
Đôi điều xác tín về lăng mộ Quang Trung
Ngay sau khi Quang Trung qua đời, Ngọc Hân Công chúa đã có một bài thơ khóc chồng rất ai oán, thảm thiết. Đó là bài “Ai tư vãn”. Mở đầu “Ai tư vãn”, bà viết:
“Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo dòn don
Cầu tiên khói tỏa đỉnh non
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu”
Ở đây “xe rồng” là xe tang vua, xe chở thi hài nhà vua. “Xe rồng thăm thẳm” là xe chở thi hài vua đi vào huyệt mộ. Trong câu thơ thứ 3, tác giả nhắc đến “Cầu tiên”. Các nhà dịch thuật Hán – Nôm xưa nay đều chú thích rằng, “Cầu tiên” ở gần Linh Đường. Đúng là ở gần Linh Đường có địa danh Cầu tiên thật (nay ở phía nam ga Giáp Bát, Hà Nội).
Nhưng có lẽ nào người vợ khóc chồng lại không nhắc đến ngôi mộ thật (nơi có thi hài chồng) mà lại nhắc đến một ngôi mộ giả, xây lên cốt để lừa nhà Thanh? Mộ giả thì “thiêng liêng” nỗi gì? Vả lại, ở làng Linh Đường, nơi có ngôi mộ giả Quang Trung, và cả một vùng đất rộng lớn xung quanh đấy làm gì có núi mà bảo “khói tỏa đỉnh non”. “Khói” ở đây là “khói hương” tỏa trên lăng mộ trên đỉnh núi! Sự thật ở đây tác giả nhắc đến ngôi mộ thật của Quang Trung và “Cầu tiên” là chỉ cây cầu của “Tiên” (chỉ người đã khuất) trên đường đi lên thiên đường mà thôi.
Bài “Ai tư vãn” nhắc đến lăng mộ Quang Trung trên một đỉnh núi. Nhà thơ Ngô Thì Nhậm khi nói đến Đan Lăng cũng nhắc đến một đỉnh núi: “Đỉnh Hồ Phiếu diểu vọng Đan Dương” (Đỉnh mây vời khuất, nhớ Đan Dương – Ngô Linh Ngọc dịch). Đặc biệt, nhà thơ Ngô Thì Hoàng khi viết về Quang Trung – Nguyễn Huệ có một bài Vịnh sử, trong đó có câu:
Tây Hồ cung lý vân nhưng tỏa
Ngọc Trản phong đầu, thổ vị can
(Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín – chỉ cung điện của Quang Toản sau khi chuyển ra Thăng Long.
Đầu núi Ngọc Trản, đất đắp mộ còn chưa khô – chỉ lăng mộ Quang Trung trên núi Ngọc Trản mới chôn chưa được bao lâu).
Ở đây, Ngô Thì Hoàng chỉ đích danh trên núi Ngọc Trản là lăng mộ Quang Trung. Ngô Thì Hoàng là em ruột Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Trí, hai vị đại thần nhà Tây Sơn. Vì vậy, thông tin về lăng mộ Quang Trung trên núi Ngọc Trản có thể chính xác.
Chúng ta biết rằng, nhà Nguyễn khi khai quật phá lăng mộ của nhà Tây Sơn đều đào “huyệt yểm” làm cho “đứt long mạch”, làm cho nhà Tây Sơn không thể “ngóc đầu dậy được” (một quan niệm về tâm linh). Ngay mộ tổ 4 đời của Quang Trung ở làng Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An) sau khi bị đào bới, quật phá cũng đã bị yểm huyệt, cho đến năm 1978, người ta còn thấy cái “huyệt yểm” đó.
Đối với cụ tổ 4 đời còn bị đối xử như thế thì đối với lăng mộ Quang Trung, việc đào huyệt yểm là không thể bỏ qua. Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, muốn tìm lăng mộ Quang Trung phải thỏa mãn hai điều kiện:
– Lăng mộ phải ở trên đỉnh núi.
– Lăng mộ đó sau khi bị quật phá đã bị yểm huyệt.
Từ đó tôi cho rằng, núi Ngọc Trản (Hòn Chén) chính là nơi đã tồn tại Đan Lăng và cái miệng “Chén ngọc” ấy có thể là huyệt yểm của Gia Long.

PDK

 

 

 

Entry filed under: Uncategorized.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28.6): Cơm và bữa cơm gia đình Làm con trước phải đền ơn sinh thành

2 bình luận Add your own

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Bảy 2014
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Most Recent Posts