Con cháu nhặt được ấn rơi, cha ông bỗng thành danh tướng

Tháng Mười Một 24, 2013 at 2:24 sáng 5 bình luận

Vì mục đích  “bốc thơm” tổ tiên, người ta sẵn sàng sáng tác ra gia phả. Rồi thì người ta com măng với nhau, người này sáng tác, người kia nhặt lấy, coi như là tư liệu để bổ sung cho lịch sử. Vì vậy mới có câu chuyện này. Bài viết này lần đầu tiên in trên tạp chí Thế giới mới có tiêu đề là “Có hay không Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu?”. Sau đó tôi chọn in vào cuốn “Lịch sử và sự ngộ nhận” với nhan đề : “Có hay không Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu hay giả định về chiếc ấn Đại đô đốc thời Tây Sơn”. Sau đây là nội dung bài viết.

*

CÓ HAY KHÔNG ĐẠI ĐÔ ĐỐC BÙI HỮU HIẾU HAY GIẢ ĐỊNH VỀ CHIẾC ẤN ĐẠI ĐÔ ĐỐC THỜI TÂY SƠN

Triều đại Tây Sơn với người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ là một thời kỳ sáng chói trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến công tiêu diệt 5 vạn quân xâm lược Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1784 – 1785) và đặc biệt là trận đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) làm chói ngời tên tuổi những vị tướng lĩnh tài ba dưới sự chỉ huy tài tình của Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, do triều đại Tây Sơn quá ngắn ngủi, do bị trả thù quá thảm khốc, do ý đồ xóa bỏ đi hoàn toàn những ký ức về nhà Tây Sơn trong lòng nhân dân ta của vua quan nhà Nguyễn mà tên tuổi các vị anh hùng bị mai một. Tiểu sử, hành trạng của các vị lại càng mù mờ. Trong tình trạng đó, việc tìm tòi, khảo cứu các truyền thuyết dân gian, các gia phả , ghi chép của các dòng họ là một việc làm rất cần thiết. Chúng ta hoàn toàn trân trọng những tìm tòi, phát hiện đó. Tuy nhiên, gần đây đọc trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 9 – 2005 (trang 70 – 73) có bài “Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu qua tư liệu địa phương” của Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Văn Liên (Phân viện báo chí Tuyên truyền) chúng tôi thấy có đôi điều cần bàn.

Trước hết, chúng ta thấy rằng Đô đốc là phẩm hàm võ quan cao cấp của triều đại Tây Sơn, có thể làm tướng lĩnh chỉ huy cả một đạo quân. Ví dụ như trong chiến dịch Đống Đa lịch sử, chúng ta thấy có các Đô đốc Long, Đô đốc Tuyết, Đô đốc Bảo, Đô đốc Lộc, mỗi Đô đốc chỉ huy một đạo quân trong 5 đạo quân tiến vào giải phóng Thăng Long và các ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hay như nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân mà tên tuổi của bà đã nức tiếng xưa nay. Hàm Đại đô đốc lại còn cao hơn Đô đốc một bậc. Thế nhưng trong tên tuổi của các tướng lĩnh Tây Sơn, chúng tôi chưa hề tìm thấy tên tuổi Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu.

Chúng tôi lại khoanh vùng tra cứu các tài liệu ghi chép trong Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Hoàng Lê nhất thống chí, Lịch triều tạp kỷ,… về  thời gian xảy ra chiến dịch đánh chiếm lại thành Quy Nhơn (1800 – 1801), tìm ra tên tuổi của nhiều vị Đại đô đốc, Đô đốc nhà Tây Sơn tham gia chiến dịch này nhưng không thấy tên tuổi Bùi Hữu Hiếu. Sở dĩ chúng tôi tìm tên tuổi của các vị tướng lĩnh Tây Sơn tham gia chiến dịch này vì chiếc ấn mà con cháu ông Bùi Hữu Hiếu đang sở hữu có liên quan đến con đường rút quân ra bắc của hai tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng.

Chúng ta quay trở lại thời kỳ lịch sử bi hùng năm 1800- 1801, trong khi hai ông Diệu – Dũng chỉ huy quân bao vây bức hàng Quy Nhơn, buộc Võ Tánh và Ngô Tùng Chu phải tự tử để thành lọt vào tay quân Tây Sơn thì Nguyễn Ánh bất ngờ đánh thọc ra, chiếm được Phú Xuân, vua tôi Quang Toản phải chạy vội ra Bắc Hà. Việc để mất Phú Xuân khiến cho đạo quân của hai tướng Diệu – Dũng bị cô lập hoàn toàn, không liên hệ được với triều đình trung ương. Để bảo vệ lực lượng, trở về với triều đình, hai ông Diệu – Dũng đành bỏ thành Quy Nhơn (vừa mới chiếm được), theo đường thượng đạo (tức đường núi, men theo Trường Sơn) kéo quân ra bắc. Tuy nhiên, ý đồ của hai ông không thể thực hiện được vì sau khi chiếm được Phú Xuân, quân của nhà Nguyễn đã tiến ra Bắc, đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa với tốc độ quá nhanh; khiến cho hai ông Diệu – Dũng khi ra đến đây thì Nghệ An, Thanh Hóa đã rơi vào tay quân Nguyễn. Kết cục là, Trần Quang Diệu bị bắt ở Thanh Chương (Nghệ An). Cùng bị bắt với ông có các tướng Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Mận, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Hưng. Còn Vũ Văn Dũng mấy ngày sau cũng bị bắt ở Nông Cống (Thanh Hóa). Bị bắt cùng Vũ Văn Dũng chỉ có “ba tên đồ đảng”, tức là quân lính hay người tùy tùng, vô danh tiểu tốt. Như vậy trong số các tướng lĩnh Tây Sơn ra hàng hay bị bắt, chúng tôi không thấy có tên Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu. Bởi vì Đại đô đốc thuộc hàng võ quan cao cấp, không những vua biết mặt, chúa biết tên mà cả đối phương cũng dành cho sự quan tâm đặc biệt. Nếu Bùi Hữu Hiếu là Đại đô đốc bị bắt thì không thể dấu được tên tuổi, còn nếu ông trốn được thì cũng phải thay tên đổi họ, sống ở nơi rừng thiêng nước độc xa xôi nào đó, chứ không thể ung dung sống ở quê nhà, lấy vợ và sinh đến 5 người con, mà các con vẫn mang họ Bùi Hữu như trong gia phả đã ghi.

Mặt khác, trong gia phả họ Bùi Hữu do ông Bùi Hữu Cán biên soạn vào năm Bảo Đại thứ 17 (tức năm 1942) có ghi như sau: “Hai ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự là hai anh em ruột, con ông Bùi Hữu Nhượng, thuộc đời thứ 5 của dòng họ, kể từ cụ Bùi Hữu Doãn. Hai ông bị quân Hà Nam (?) bắt đi. Sau đó ông Bùi Hữu Thự mất tích. Dòng họ lấy ngày 16.8 âm lịch, là ngày hai ông ra đi để làm ngày tế giỗ cho ông Bùi Hữu Thự”. Đây là nguyên văn gia phả Bùi tộc được soạn vào năm 1942 mà tác giả Cao Văn Liên đã trích dẫn trong bài viết nêu trên trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Như vậy, thời điểm 1942 là thời điểm sớm nhất mà gia phả dòng họ ghi về ông Bùi Hữu Hiếu. Gia phả 1942 không đề cập một chút gì về chức tước của ông Bùi Hữu Hiếu, cũng như việc ông tham gia quân đội Tây Sơn. Cần nhớ rằng, đến thời điểm năm 1942, nghĩa là sau gần 150 năm thì mối thù của vua quan nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn hầu như không còn tồn tại. Vậy thì, nếu Bùi Hữu Hiếu là Đại đô đốc nhà Tây Sơn, một vinh dự như thế sao ông Bùi Hữu Cán không ghi vào gia phả mà lại chỉ ghi là “Bị quân Hà Nam (?) bắt” ? Nếu có các câu chuyện truyền lại trong dòng họ, trong địa phương về một vị Đại đô đốc lừng danh như thế, sao gia phả lại bỏ qua?

Hai ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự là hai anh em ruột và đều làm tướng nổi tiếng của nhà Tây Sơn (theo như gia phả mới soạn vào các năm 1970, 1984 và 2000) vậy sao ông anh còn sống sót trở về lại không rõ trường hợp hi sinh của người em mà gia phả phải lấy ngày họ ra đi làm ngày giỗ, như một trường hợp mất tích?

Chúng tôi cho rằng, ông Bùi Hữu Hiếu nếu có tham gia phong trào Tây Sơn thì chỉ là một người lính bình thường hoặc cùng lắm thì chỉ là tùy tùng của một vị Đại đô đốc nào đó. Ông được vị tướng này giao cho việc mang ấn tín trong đợt rút chạy từ Quy Nhơn ra Thanh Hóa (hay đó chính là ấn của Đại đô đốc Vũ Văn Dũng, vì ông bị bắt ở làng Ngọ Xá, Nông Cống, Thanh Hóa) (1). Điều đặc biệt là Vũ Văn Dũng không bị quân lính nhà Nguyễn bắt mà là bị 19 người dân làng Ngọ Xá bắt. Đại Nam thực lục ghi cụ thể: “Bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thụy 19 người dân làng Ngọ Xá (thuộc huyện Nông Cống) bắt được Tư đồ giặc là Vũ Văn Dũng và ba người đồ đảng, giải đến hành tại. Sai đóng xiềng giam lại” (trích Đại Nam thực lục) . Có thể trong quá trình bắt giữ này, một người họ Bùi đã nhặt được chiếc ấn của Vũ Văn Dũng, rồi thủ đi, không nộp lại cho triều đình. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng các con cháu đời sau của ông Bùi Hữu Hiếu nhân đào ao, làm nhà, cuốc vườn mà nhặt được chiếc ấn do  quân lính của ông Dũng trước khi bị bắt đã quẳng lại vì không muốn ấn tín rơi vào tay kẻ địch.

Về hai tư liệu gốc mà tác giả Cao Văn Liên đưa ra để chứng minh ông Bùi Hữu Hiếu là Đại đô đốc thời Tây Sơn thì bản Di chúc do ông tổ là Bùi Hữu Doãn viết vào năm 1772 chưa có dòng nào ghi về ông Bùi Hữu Hiếu. Còn bản Gia phả Bùi tộc do ông Bùi Hữu Cán viết năm 1942 thì như chúng tôi đã phân tích, chỉ ghi là hai anh em ông Hiếu bị quân Hà Nam bắt. Vậy thì dựa trên cơ sở nào mà các bản gia phả sau này (mới được viết lại vào các năm 1970, 1984 và 2000) lại ghi hai ông là những vị tướng nổi tiếng của nhà Tây Sơn, lập được nhiều chiến công và còn cả sang sứ nhà Thanh nữa? Đây không phải là những điều bịa đặt, sáng tác thì là gì?

Trong bài viết trên, tác giả Cao Văn Liên cũng cho biết, hiện nay ở Nông Cống (Thanh Hóa) có hai địa phương thờ Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng. Đó là đình làng Xa Lý xã Thăng Bình thờ cả hai ông Diệu – Dũng và đình làng Ngọ Xá cũng ở xã Thăng Bình thờ riêng Vũ Văn Dũng. Nếu Bùi Hữu Hiếu là Đại đô đốc thì tên tuổi của ông chỉ đứng sau hai ông Diệu – Dũng. Có lẽ nào địa phương đã thờ ông Diệu, ông Dũng mà lại không thờ một vị Đại đô đốc , một nhân vật  kiệt xuất , niềm tự hào của địa phương mình?

Mặt khác, nếu ông Bùi Hữu Hiếu ở trong đoàn quân của hai ông Diệu – Dũng, giả sử ông trốn tránh được, không bị quan quân nhà Nguyễn bắt thì sau đó để tránh bị truy nã, ông phải thay tên đổi họ, rời bỏ quê hương, đến sống ở một vùng xa xôi nào đó, chứ sao ông vẫn đường hoàng sống ở quê, sinh con đẻ cái và vẫn mang họ Bùi Hữu. Có lẽ nào như thế mà ông lại không bị bắt, con cháu không bị tru di?

Như vậy là chiếc ấn Đại đô đốc do dòng họ Bùi Hữu lưu giữ chỉ có ý nghĩa là một di vật của triều đại Tây Sơn, chứ không thể chứng minh người giữ chiếc ấn đó đã từng là Đại đô đốc !small_14600

Hiện nay trên đất nước ta, các dòng họ có phong trào dịch gia phả, viết lại gia phả , tục biên gia phả, trong đó có không ít người nhân việc làm đó lồng vào ý đồ phô trương dòng họ, phô trương tổ tiên của mình để mưu cầu này khác (ví dụ như chuẩn bị tư liệu để lập Hồ sơ xin được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia hoặc cấp tỉnh mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập). Việc con cháu trong dòng họ viết gia phả, biến cha ông mình thành “ông nọ bà kia” là quyền của các dòng họ. Nhưng những người nghiên cứu , khi sử dụng gia phả vào các công trình nghiên cứu, biên khảo của mình thì cần phải hết sức thận trọng. Sao lại có thể dễ dãi cả tin đối với các cuốn gia phả có “niên đại” chưa quá vài ba chục năm, không căn cứ vào đâu cả, như cuốn gia phả này!

Chú thích: (1): Vũ Văn Dũng bị bắt tại làng Ngọ Xá, nay thuộc xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Ông có hàm Đại đô đốc (Tên hiệu đầy đủ của ông là: Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc công)

*

(Trích từ cuốn :”Lịch sử và sự ngộ nhận“):

– Giới thiệu cuốn LỊCH SỬ VÀ SỰ NGỘ NHẬN của Phan Duy Kha

Entry filed under: Uncategorized.

Chúng tôi soạn sách Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam Nghiên cứu lịch sử qua …lời kể/ Chắp tay bái phục, Giáo sư ơi

5 bình luận Add your own

  • 1. Đỗ Phong, Mộ Lao, Hà Đông.  |  Tháng Mười Một 25, 2013 lúc 3:19 sáng

    Tôi rất thích khi đọc loạt bài này của ông. Phải nói rằng, lịch sử Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống và điểm mờ, kể cả lịch sử cận, hiện đại.Đây chính là mảnh đất màu mỡ để những cây bút cơ hội đủ loại bịa đặt, thêm thắt, xuyên tạc làm rối lẫn việc nghiên cứu, học tập, khai thác tài liệu lịch sử. Nếu như những người biên soạn gia phả chỉ đáng trách vì theo tâm lý thông thường, ai cũng có niềm tự hào, tự tôn về gia thế nên có ” vơ vào”, nói quá lên thì cũng có thể thông cảm. Đáng phê phán là dạng như ông PGS-TS Cao Văn Liên nọ khi ông ta công bố một bài viết như thế. Ông ta – cũng như nhiều người viết báo khác- chỉ vì một chút nhuận bút còm mà tung lên công luận những bài báo như trên, chỉ làm hại cho công tác nghiên cứu sử và chính họ cũng bị mất mặt. Dù vậy, đáng lên án nhất vẫn là những ” nhà” sử học có tư tưởng học phiệt, lợi dụng tên tuổi, uy tín đã có để xuyên tạc, bẻ queo lịch sử, dạng như GS Phan Huy Lê.Do vậy, tôi rất mong ông và những nhà sử học có tâm khác tiếp tục công bố nhiều bài viết như thế này nữa để bớt đi những sản phẩm sử học rởm, giả. Kính!

    Trả lời
    • 2. phanduykha  |  Tháng Mười Một 25, 2013 lúc 3:40 sáng

      Cảm ơn sự theo dõi và sẻ chia của bạn Đỗ Phong. Tôi có thói quen là thích “lật ngược những vấn đề” mà người ta đã công bố trên các sách báo, nếu thấy có điều gì đó không hợp lý. Cái đó người ta gọi là Phản biện. Mong bạn tiếp tục theo dõi. Chào thân ái.

      Trả lời
  • 3. Anhbasam Điểm Tin thứ Hai, 25-11-2013 | doithoaionline  |  Tháng Mười Một 25, 2013 lúc 5:59 sáng

    […] – Con cháu nhặt được ấn rơi, cha ông bỗng thành danh tướng (Phan Duy Kha). […]

    Trả lời
  • 4. Thứ Hai, 25-11-2013 | Dahanhkhach's Blog  |  Tháng Mười Một 25, 2013 lúc 7:55 sáng

    […] – Con cháu nhặt được ấn rơi, cha ông bỗng thành danh tướng (Phan Duy Kha). […]

    Trả lời
  • 5. NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ HAI 25-11-2013 | Ngoclinhvugia's Blog  |  Tháng Mười Một 25, 2013 lúc 3:11 chiều

    […] Thiếu Nhơn). – VIỆT LẠC CUỐI THỜI HÙNG VÀ THỜI NHÀ TRƯNG (NQ&TD). – Con cháu nhặt được ấn rơi, cha ông bỗng thành danh tướng (Phan Duy Kha). – Nỗi lòng Cu đơ (Nguyễn Hoa Lư).   – Này con thuộc lấy làm […]

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Mười Một 2013
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Most Recent Posts