“Hoang Sa- Trường Sa là máu thịt Việt Nam” là cuốn sách có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam về lịch sử biển đảo quê hương

Tháng Tư 29, 2014 at 11:50 sáng Bình luận về bài viết này

Bài của Thiếu tướng Nhà văn Nguyễn Chu PhácP1070555

Cuốn sách Hoàng sa – Trường Sa là máu thịt Việt Nam (Nhiều tác giả) do NXB Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Văn hóa Tràng An xuất bản 10/2013. Trước hết, đây là hệ thống tư liệu quý giá có giá trị lịch sử, khoa học pháp lý cao khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Đó là các bản đồ, thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc, Pháp và một số nước có liên quan như:

– Các tấm bản đồ cổ của Trung Quốc “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (công bố 1904); Bản đồ tổng thể lãnh thổ Trung Quốc trong cuốn Postal Atlas of China – Atlas Trung Hoa Bưu chính dư đồ, xuất bản 1919; Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Atlas of the Chinese Empire – Trung Quốc địa đồ, xuất bản 1908; v.v… thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa nằm ngoài cương giới nước họ.

– Về tầm mắt Việt Nam: Hàng loạt sách địa lý và bản đồ cổ của nước ta đã thể hiện rõ: Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa… từ lâu đã là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Đó là các tập bản đồ: “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” (do Đỗ Bá soạn vẽ vào thế kỷ 17); “Giáp Ngọ bình Nam đồ” (do Đoàn quận công Bùi Thế Đạt vẽ vào năm 1774); các sách “Phủ biên tạp lục” (do nhà bác học Lê Quý Đôn biên soạn từ năm 1776), “Đại Nam thực lục tiền biên” (do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn). Các tài liệu này đều ghi chép việc thăm dò, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa…

– Vào thời Tây Sơn, có tờ sai đề vào năm 1786: “Sai Hội Đức hầu đội Hoàng Sa dẫn 4 chiếc thuyền câu vượt biển đến thẳng Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng và đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải ba, cùng cá quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ”.

– Các bản đồ cổ của Việt Nam và Pháp: “Đại Nam nhất thống toàn đồ” – bản đồ được xây dựng dưới triều Minh Mạng đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam; “An Nam đại quốc họa đồ” in trong cuốn Từ điển La tinh – Việt Nam xuất bản 1938 khẳng định Cát Vàng tức Hoàng SaParacels và nằm trong vùng biển Việt Nam; “Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương” (năm 1940) ghi rõ Đài Pattle tức Hoàng Sa và đài Itu Aba tức Trường Sa là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương;v.v… đã khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

– Các châu bản triều Nguyễn: Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830); Châu bản ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835); Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) và hàng chục châu bản khác có liên quan tới việc khai thác, gìn giữ và bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa.

– Trên Cao đỉnh – một trong chín báu vật thời Nguyễn (Cửu đỉnh) đã chạm nổi Đông Hải (Biển Đông) thể hiện lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

– Thời thuộc Pháp, người Pháp cũng rất quan tâm khai thác, bảo vệ, xác định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (như năm 1938 Pháp dựng bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa).

– Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm trái phép đông, tây Hoàng Sa vào các năm 1956, 1974 khi quần đảo này vẫn do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản giữ cũng được đề cập và phân tích cặn kẽ trong sách này.P1070552

Với các chứng cứ lịch sử đầy sức thuyết phục nói trên, kết hợp với lập luận phân tích của các tác giả: TS. Mai Hồng, PGS. TS. Lê Trọng, Nhà nghiên cứu Lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, TS. Đinh Công Vĩ, Nhà nghiên cứu Lịch sử Phan Duy Kha… đã khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa từ lâu đã thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cuốn sách Hoàng sa – Trường Sa là máu thịt Việt Nam cho biết, sau sự kiện TS. Mai Hồng hiến tặng cho Tổ quốc dân tộc tấm bản đồ quý “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” thì nhân dân trong nước và Việt kiều ta ở nước ngoài rất phấn khởi, nhiều người đã hào hứng tâm huyết đi sưu tầm thêm nhiều bản đồ, thư tịch có liên quan đến chủ quyền Biển Đảo quê hương.

Người trước tiên phải kể đến là ông Trần Thắng (cháu nhà thơ Tế Hanh, Việt kiều ở Mỹ, hiện là Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ) đã tìm được 3 cuốn atlas và 170 tấm bản đồ quý cho đất nước, trong đó: có 110 bản gốc (xuất bản từ 1626-1980), 33 bản tái bản và 37 bản điện tử (e-file); có một số bản đồ do Anh, Đức, Úc, Canada, Mỹ và Hồng Kông xuất bản. Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng cho biết: “Với số lượng lớn bản đồ, tư liệu trên được chia thành hai nhóm: Nhóm bản đồ khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam và nhóm bản đồ thể hiện lãnh thổ của Trung Quốc chỉ đến cực nam đảo Hải Nam và chứng minh Trung Quốc không có quan hệ gì với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt trong đó có 80 bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam mà thôi”. Vấn đề này cũng được thể hiện rõ trong cả 3 tập atlas rất quý, có giá trị lịch sử cao do chính Trung Quốc xuất bản vào các năm 1908, 1919 và 1933.

Tiếp đến là TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng tìm được 91 bản đồ, trong đó có tấm “Bản quốc địa đồ” in trong cuốn sách giáo khoa “Khải đồng thuyết ước” thời vua Tự Đức, vẽ vùng biển xứ Quảng Nam và Thừa Thiên có ghi rõ “Hoàng Sa chử” (tức là bãi Hoàng Sa).

Ngoài khối lượng bản đồ, atlas, tư liệu, thư tịch hết sức phong phú (được chụp in minh họa theo hệ thống) nói trên, trong sáchcòn có những bài khảo cứu sâu sắc về văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời ở Lý Sơn (đảo tiền đồn canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa) và những thông điệp về xây dựng, bảo vệ cuộc sống kinh tế, văn hóa, giáo dục đang diễn ra sinh động trên biển đảo quê hương hôm nay.

Với giá trị to lớn và ý nghĩa sâu sắc của cuốn sách, GS. Vũ Khiêu viết: “Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.  

Tôi đã đọc nhiều về Hoàng Sa – Trường Sa thì đây là một trong những cuốn sách tổng hợp và ấn tượng nhất, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam.

Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà văn NGUYỄN CHU PHÁC

Theo Tạp chí Thế giới trong ta, số 431, 4-2014

*

Ảnh trên: Đại diện các tác giả làm lễ hóa sách tại đền Ngọc Sơn. Từ trái qua: Nhà thơ Gia Dũng, TS Mai Hồng, GS Lê Trọng, TS Đinh Công Vĩ, Luật gia Bùi Phúc Hải và Phan Duy Kha

Entry filed under: Uncategorized.

Nguyễn Thái Học- Nguyễn Thị Giang: Anh hùng và Liệt nữ Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Tư 2014
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
282930  

Most Recent Posts