Giới thiệu sách Danh nhân họ Bùi

Tháng Một 16, 2013 at 4:04 sáng 4 bình luận

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Đầu xuân, ông Bùi Xuân Ngật đến chơi nhà, và có nhã ý nhờ tôi đề tựa cuốn “Danh nhân họ Bùi”.

Chẳng là ông Ngật biết tôi gốc gác từ làng Bất Nạo, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Và làng tôi vốn là một làng cổ, lại thờ vị Thành hoàng họ Bùi, theo thần phả thì cụ là tướng của vua Hùng Duệ vương.

Là con em trong làng, lại có lòng kính ngưỡng các bậc tiên liệt, vì vậy tôi vui vẻ nhận lời, tuy biết đây là việc làm hơi đuối sức.

Phải nói hơn chục năm trở lại đây, trong nước đã hưng được việc hướng về nguồn cội. Các dòng họ lớn đã dần dần tập hợp được lai lịch của dòng họ mình, truy ngược tới cả ngàn năm và con cháu được quy tụ về một mối trong Ban liên lạc của dòng họ; mặc dù các chi họ định cư rải rác khắp các vùng miền trong cả nước, thậm chí có nhiều người đã sinh sống lâu năm ở nước ngoài.

Trước khi đề cập tới nội dung tập sách, tôi muốn nói đến tấm lòng của bà con họ Bùi đối với di tích của Mỹ Quận công Bùi Đình Chấn được thờ làm Thành hoàng làng Bất Nạo, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Cứ xem trong các tài liệu khảo tả di tích, kể cả việc sao chép Thần phả làng Bất Nạo còn lưu trữ tại Viện Hán Nôm cũng như sự bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên như đã thể hiện trong Chúc văn, đủ biết con cháu họ Bùi không chỉ có tâm mà còn rất am hiểu trong việc truy tầm nguồn cội, mặc dù các công việc này tốn kém khá nhiều trí tuệ, công sức và tiền bạc.P1060643P1060645

Đọc tập “Danh nhân họ Bùi”, tôi hết sức ngạc nhiên về dung lượng thông tin họ Bùi từ cổ xưa tới nay, mà tập sách đề cập đến. Đương nhiên, ngoài sự nỗ lực của con cháu họ Bùi, thì người họ Bùi còn biết chọn mặt gửi vàng, đã tìm đến các nhà văn hóa, các nhà khoa học lịch sử vừa có tri thức, vừa có tâm huyết để đi sâu vào khám phá mang tính phổ quát, để dựng lại bức tranh toàn cảnh về sự cống hiến của dòng họ Bùi trong công cuộc dựng nước và giữ nước qua tiến trình lịch sử của dân tộc.

Về cụ Mỹ Quận công Bùi Đình Chấn được thờ làm Thành hoàng làng Bất Nạo từ rất lâu đời, qua đời Trần Nhân Tông (thế kỷ XIII) đến Lê Thái Tổ (thế kỷ XV) đều được triều đình có sắc phong, thời hậu Lê và triều Nguyễn vẫn tiếp tục thừa nhận Ngài là Thượng đẳng tối linh thần.

Đương nhiên, cụ là một nhân thần, nhưng chỉ vài chi tiết trong thần tích, thần phả cho biết cụ là tướng của Hùng Duệ vương, ngoài ra lịch sử không để lại cho ta một tư liệu nào khả dĩ có thể tái hiện được chân dung cụ.

Về trường hợp này, xét thấy trong thần phả các tỉnh: Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Kiến An, Thái Bình…([1]) có nhiều làng thờ tướng của các vua Hùng và tướng của Hai Bà Trưng, đủ biết thời kỳ cổ sử là có thật, chỉ tiếc nhiều phen binh lửa, giặc phương Bắc đã hủy diệt gần như trọn vẹn sách sử và các công trình kiến trúc của nước ta, tiêu biểu nhất là cuộc hủy diệt văn hóa Đại Việt của giặc Minh vào đầu thế kỷ XV. Phải nói đây là một cuộc tàn sát văn hóa có chủ đích với ý đồ thâm độc và quỷ quyệt nhất trong lịch sử cổ kim của cả nhân loại. Ấy là chưa kể đến bốn lần Bắc thuộc(2) với âm mưu Hán hóa dân tộc ta của kẻ thù.

Mặc dù vậy, họ Bùi vẫn có thể tôn cụ Mỹ Quận công Bùi Đình Chấn là thủy tổ, hoặc viễn tổ của dòng họ, còn các cụ khác hầu như đã xác định được danh tính và sự nghiệp rõ ràng.

Nhìn vào tập “Danh nhân họ Bùi” ta thấy người họ Bùi có cống hiến về đủ mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, quân sự… không mặt nào không có người đạt thành tựu xuất sắc. Có thể tính từ cụ tị tổ Bùi Quang Dũng thế kỷ X – XI (922 – 1018). Theo GS. TS. Nguyễn Chính Trung lược thuật thì “Cụ Bùi Quang Dũng là một nhà hoạt động chính trị, quân sự nổi tiếng thời nhà Đinh (thế kỷ X). Ông là một tướng tài, góp công lớn trong việc giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên nội loạn 12 sứ quân giữ yên bờ cõi Đại Việt, mở mang phát triển đất đai, đồng biển vùng Bố Hải Khẩu (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay). Ông là người nổi tiếng trung liệt không thờ hai vua (với triều Lê Đại Hành), nên sau này được Lý Thái Tổ tôn hiệu “Minh Triết Phu Tử tước Trinh Quốc công”.

Trong công cuộc chinh phục các sứ quân để thu non sông về một mối, lập ra nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên do Đinh Tiên Hoàng giữ ngôi chủ tể; sự nghiệp vĩ đại của Đinh Tiên Hoàng được viên thành, ngoài tài thao lược của chính ông, phải kể đến các cộng sự xuất sắc như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú, Bùi Quang Dũng, họ đều là bậc hổ tướng khai quốc công thần, giúp Đinh Tiên Hoàng dựng lên nghiệp lớn.

Như chuyện Lê Hoàn được nước, thì Đinh Điền, Nguyễn Bặc đem quân về hỏi tội, chẳng may thất trận bị Lê Hoàn giết. Nhân đó, Bùi Quang Dũng bỏ lên động Trinh Thạch ở ẩn.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi sai người đến động Trinh Thạch triệu thỉnh tới hai, ba lần ông đều từ chối. Sau nhân việc dẹp loạn, ông nhận lời. Làm xong công việc ông lại trở về đất cũ Hàm Châu, nơi ông khai hoang lập ấp và để người con trai là Bùi Quang Anh phục vụ triều đình.

Cảm kích lòng trung dũng và trung nghĩa của ông, Thái tổ Lý Công Uẩn tôn ông hiệu Minh Triết Phu Tử và khi ông tạ thế ở tuổi 97, Lý Thái Tổ lại tiến phong cho ông tước Trinh Quốc Công (vẫn theo GS. Nguyễn Chính Trung).

Vậy là hơn một ngàn năm sau Mỹ Quận công Bùi Đình Chấn, họ Bùi lại có cụ Bùi Quang Dũng là trụ cột của triều đình nhà Đinh.

Với công lao to lớn, tên tuổi và sự nghiệp của cụ Bùi Quang Dũng sẽ mãi mãi tồn tại cùng non sông đất nước.

Việt Nam là nước có truyền thống trọng học. Họ Bùi là một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao và đỗ từ rất sớm, như cụ Bùi Quốc Khái là một ví dụ.

Theo PGS. TS. Đinh Khắc Thuân thì xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì vẫn còn một tấm bia ghi danh cụ tại nơi thờ tự. Bia khắc vào năm Giáp Thìn (1784) đời vua Lê Hiển Tông. Và chiếu trong “Lịch triều đăng khoa lục” thì đúng cụ là người đầu tiên của đất Thăng Long đạt học vị cao sớm nhất.

Bùi Quốc Khái đỗ đầu khoa thi chọn người giỏi thi thư năm Ất Tị niên hiệu Trinh Phù 10 (1185) đời Lý Cao Tông.

Vì vậy, TS. Đinh Khắc Thuân mới lấy tựa đề bài viết: “Văn bia từ chỉ Bằng Liệt và vị khai khoa đất Thăng Long Bùi Quốc Khái”.

Theo đó, họ Bùi có tới 59 vị đỗ đại khoa kể từ thời Lý đến thời Lê, người mở đầu là cụ Bùi Quốc Khái, người sau cùng là cụ Bùi Dương Lịch đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình vào khoa thi năm Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất (1787).

Về thời Nguyễn và nhất là thời nay, số trí thức họ Bùi chắc chắn là con số không nhỏ, nhưng chỉ với 59 vị tiến sĩ và các bậc hào kiệt đã ghi danh trong tập kỷ yếu này cũng đã nói lên sự đóng góp to lớn của một dòng họ đối với đất nước.

Sẽ là thiếu sót, nếu tôi không đề cập đến một chi họ Bùi thuộc hàng danh gia vọng tộc, làm vẻ vang không chỉ cho dòng họ mà còn đem lại niềm tự hào cho cả quốc gia, dân tộc, ấy là họ Bùi làng Sét, làng Sét xưa, nay là làng Giáp Nhị, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Dòng họ này đã sản sinh hàng loạt nhân tài, khởi đầu là cụ Bùi Xương Trạch (1438 – 1516), đậu Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9 (1478) đời Lê Thánh Tông, làm tới chức Thượng thư chưởng Lục bộ sự kiêm Đô ngự sử, Quốc Tử Giám tế tửu, tri kinh diện sự, Thái phó tước Quảng quốc công.

Con trai cụ Bùi Xương Trạch là Bùi Vịnh (1498 – ?) đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ nhị danh (bảng nhãn) đời Mạc Đăng Dung, niên hiệu Đại Chính 3 nhằm năm Nhâm Thìn (1532), làm quan tới chức Lại bộ Tả thị lang, tước Mai lĩnh hầu.

Cháu nội của cụ Bùi Vịnh là Bùi Cầu (1568 – ?) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định 20 đời Lê Kính Tông (1619), làm quan tới chức đề Hình giám sát Ngự sử.

Huyền tôn của cụ Bùi Xương Trạch và tằng tôn của cụ Bùi Cầu là Bùi Bỉnh Quân (1580 – 1630) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định 20 đời Lê Kính Tông (1619), mất trên đường đi sứ nhà Minh, được tặng chức Hữu thị lang.

Dòng dõi của cụ Bùi Xương Trạch về sau còn có Bùi Huy Bích (1744 – 1818), năm 26 tuổi đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769), đời Lê Hiến Tông, làm Đốc đồng Nghệ An thăng Hành tham tụng, tước kê liệt hầu, sau lại thăng Đồng binh chương sự kiêm tham tụng (Tể tướng), ông cố từ không nhận rồi cáo bệnh lui về quê nhà. Qua triều Tây Sơn và Gia Long ông đều ẩn cư, ông qua đời năm Mậu Thìn (1818) thọ 75 tuổi.

Nhà Lê suy đồi, nhà Trịnh chuyên quyền và thối nát, không một tài năng nào có thể thi thố được.

Vì vậy, cụ Nguyễn Văn Siêu khi nhận định về Bùi Huy Bích vừa có sự tôn trọng vừa có sự cảm thông: “Văn chương tài trí của ông đều có thể giúp ông nổi tiếng một thời, nhưng ranh giới vua tôi thời Lê – Trịnh có quan hệ về danh nghĩa, sau đổi sang đời khác, người cầm bút ai dám thứ lượng, việc mai một nghĩ là không ít. Há đâu phải sinh ở đời đó, đều là sự bất hạnh của sĩ phu ư? Đến cuối đời sự hình phạt càng ghê gớm, nếu không vượt lên được thì phải theo đuôi hổ, đó là nỗi thương tâm của sĩ phu vậy…”.

Tuy nhiên, sự đóng góp lớn lao của Bùi Huy Bích là về lĩnh vực trước thư lập ngôn. Sự nghiệp này của ông thật đồ sộ, từ thơ văn, lịch sử, địa lý, khảo cứu… mặt nào ông cũng có đóng góp thật ấn tượng. Chính sự nghiệp này đã đưa ông vào hàng những bậc danh nhân văn hóa của quốc gia.

Đọc tập “Danh nhân họ Bùi” thấy trong bài khảo cứu của PGS. TS. Bùi Xuân Đính có phần “tính cách người họ Bùi” kể cũng là sự độc đáo.

Đọc kỹ phần sự nghiệp của một số vị như Bùi Cầm Hổ, Bùi Ư Đài đặc biệt là Bùi Sỹ Tiêm, quả thực đây là những bậc vừa tài trí vừa phách lực. Tuy thờ vua, nhưng đều coi việc dân làm trọng, đặt lợi ích của quốc dân lên trên cả nghĩa vua tôi, bất chấp cả sự hiểm nguy không chỉ cho sự nghiệp mà cả tính mạng của riêng mình. Ví như, đáp lời “Dụ” của chúa Trịnh Giang, kêu gọi bề tôi lớn nhỏ “trình bày hết những điều thiết thực cốt yếu cho thích hợp với thời cuộc”, Bùi Sỹ Tiêm bèn dâng bài khải trần tình gồm 10 điều, chỉ rõ những sự rối nát của xã hội bắt đầu từ nhà Chúa và lớp quan lại tham nhũng.

Đọc xong bài khải của ông, Trịnh Giang đùng đùng nổi giận, cách tuột quan chức của quan Thái thường tự khanh Bùi Sỹ Tiêm rồi đuổi ông về quê. Từ đó ông ẩn cư cho tới ngày qua đời.

Nay đọc lại bài khải của ông, xem ra vẫn còn nguyên giá trị. Cứ như là ông viết cho thời nay, cho hôm nay. Qua bài khải, ta có cảm giác ông gánh trên vai mình nỗi đau của toàn dân tộc. Vì lẽ đó khiến ông trở nên can đảm phi thường, ông thật xứng đáng là kẻ sĩ của muôn đời.

Trở về với cội nguồn gia tộc để phát huy truyền thống của dòng họ, là hướng đi đúng của nhiều dòng họ đã và đang làm.

Qua khứ của mỗi dòng họ, chính là lịch sử của dòng họ đó. Tập hợp quá khứ của trăm họ, tức là ta có một bộ lịch sử chân thực được viết ra từ toàn dân. Đây chắc chắn là một bộ lịch sử dân tộc vĩ đại nhất mà không một sử gia nào, một viện hàn lâm lịch sử nào có thể làm nổi.

Lịch sử các dòng họ trong cả nước là hình ảnh “kiến mộc thiên chi quy nhất bổn”, chắc chắn sẽ là những tư liệu quý báu đáng tin cậy cho các nhà làm sử.

Tiếc rằng, ngành Sử nước ta chưa chú trọng đúng mức hướng khai thác này. Các nhà nước từ xưa tới nay hầu như đều bỏ ngỏ lĩnh vực này.

Đầu xuân Nhâm Thìn (2012)

                                                                                             Nhà văn HOÀNG QUỐC HẢI


([1]) Ghi theo địa danh hành chính cũ.

(2) Bốn lần Bắc thuộc: 111 tr.CN-39CN, 43-541, 602-905, 1407-1427.

.

Entry filed under: Uncategorized.

Sơn Tinh – Tản Viên: Là một hay là hai ? Đã giải mã được bí ẩn chữ Việt cổ

4 bình luận Add your own

  • 1. thuy  |  Tháng Tám 10, 2015 lúc 4:02 chiều

    Kinh xin hỏi bác Bùi Xuân Ngật đã bao giờ nghe nói về cụ Bùi Xuân Huy được phong Quận công năm Cảnh Hưng thứ 2 không ạ? Chúng cháu là con cháu đời thứ 10, muốn tìm hiểu thêm ạ. thuykhue155@yahoo.com

    Trả lời
    • 2. phanduykha  |  Tháng Tám 11, 2015 lúc 12:52 sáng

      Kính chuyển bác Bùi Xuân Ngật trả lời bạn Thụy Khuê

      Trả lời
  • 3. Bùi thế Sự  |  Tháng Mười Hai 8, 2018 lúc 9:01 sáng

    Tôi là Con cháu Tộc Bùi làng Vinh Huy huyện Thăng Bình tinh Quảng Nam muốn mua 1 quyển sách Danh nhân Họ Bùi của ông thì mua ở đâu

    Trả lời
    • 4. phanduykha  |  Tháng Mười Hai 10, 2018 lúc 6:24 sáng

      Sách Danh nhân họ Bùi do ông Bùi Xuan Ngật soạn, in cách đây 5-6 năm rồi, nay không thấy bán nữa.Tôi chỉ là người được tặng một cuốn thôi. Bạn có thể vào trang mạng họ Bùi,tìm hiểu thêm xem sao

      Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Một 2013
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Most Recent Posts