Xung quanh việc thu hồi quyết định công nhận Di tích lịch sử Phan Vân

Tháng Mười 27, 2013 at 11:22 sáng 21 bình luận

Phan Vân là ông tổ một dòng họ Phan ở Yên Thành, Nghệ An.Ông sống vào khoảng cuối thời Trần, đầu thời Lê. Gia phả họ Phan ở xã Bắc Thành ghi: “Ông tổ húy là Vân, dưới triều Trần được phong quan Chính sứ. Gặp lúc Trần mạt, Hồ Quý Ly làm loạn, ông vào ở ẩn ở Châu Hoan”. Gia phả một chi họ Phan khác ở Trung Thành ghi: “Ông tên là Vân. Khoa Đinh Mão thời Trần Phế đế thi hương đậu Hương cống (nay là Cử nhân), không làm quan, chạy giặc Nguyên Minh đến xã Tiên Thành ở ẩn. Ngay trong 2 đoạn gia phả này về ông Phan Vân đã chứa nhiều mâu thuẫn: Làm quan hay không làm quan, đỗ đạt hay không đỗ đạt, mỗi bên đều nói một khác. Sẽ không có điều gì đáng nói nếu như người ta chấp nhận một nhân vật Phan Vân trong gia phả như thế. Nghĩa là ông có thi đỗ Hương cống, có thể có làm một chức quan nhỏ dưới triều Trần rồi sau đó đi ở ẩn.

Thế nhưng, có một số người trong số con cháu hậu duệ của ông sau này không muốn ông như thế. Người ta đã thêm thắt, sáng tác ra tiểu sử một nhân vật Phan Vân hiển hách trong lịch sử:

– Khai hoang mở mang cả một vùng đất rộng lớn ở Yên Thành.

– Tham gia nghĩa quân Lam Sơn, chiến đấu dưới cờ Lê Lợi

– Sau khi Lê Lợi giải phóng đất nước, ông là một trong những công thần khai quốc, được phong tước Bái Dương hầu.

Những điều bịa đặt, sáng tác đó, nếu để con cháu trong dòng họ hiểu với nhau để tự hào (tuy không có thật) thì cũng không sao. Thế nhưng, người ta đem toàn bộ những sáng tác đó lập thành bộ Hồ sơ khoa học gửi lên Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Nghệ An. Và nếu tại sở VH- TT Nghệ An bộ hồ sơ này được thẩm định, kiểm tra cẩn thận rồi dừng lại đó thì cũng không sao. Thế nhưng, Sở VH- TT Nghệ An lại hoàn tất hồ sơ, trình lên Bộ VH-TT và ngày 16-12-1993, Bộ VH- TT đã ra Quyết định số 2015/QĐ-BT , công nhận di tích nhà thờ, miếu mộ Phan Vân là Di tích lịch sử Quốc gia. Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định lấy tên Phan Vân để đặt tên cho một đường phố ở thành phố Vinh.

Một vụ khiếu kiện kéo dài.

Quyết định trên của Bộ VH-TT đã gây nên sự bất bình trong dư luận, làm dấy lên một vụ khiếu kiện kéo dài. Điều đặc biệt là những người khiếu kiện ở đây đều là những nhân vật khả kính, có trình độ, trước đây từng giữ những trọng trách ở tỉnh Nghệ An, nay đã về hưu. Ví như các ông : Trần Nguyên Trinh, nguyên Trưởng ty Văn hóa Nghệ An giai đoạn 1956- 1974, cán bộ lão thành cách mạng, 85 tuổi đời, 60 tuổi đảng; Hà Văn Tải, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Ủy viên Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Nghệ An; Cao Thế Lữ, nguyên Phó trưởng ty Giáo dục tỉnh Nghệ An; Trần Quang Xán, nhà giáo về hưu… Kiên trì nhất trong số đó là ông Trần Nguyên Trinh. Trong 4 năm trời khiếu kiện, ông đã gửi 13 tập đơn khiếu kiện lên Bộ Văn hóa và các cấp có thẩm quyền, tổng cộng hơn 200 trang giấy khổ A4 gồm văn bản và tư liệu. Tất cả các ông đều mang một nỗi trăn trở, bức xúc về bộ “Hồ sơ khoa học” với rất nhiều điều hư cấu, bịa đặt về nhân vật Phan Vân. Tất cả đều có nguyện vọng được xem xét lại việc cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử và Văn hóa cho nhân vật Phan Vân. Bởi theo các ông, nếu công nhận không đúng, suy tôn không đúng thì không những không có tác dụng giáo dục mà ngược lại, phản giáo dục.

Thể theo nguyện vọng thiết tha của những người khiếu kiện và cũng để bước đầu xem xét lại việc công nhận Di tích lịch sử Phan Vân, ngày 11- 1-2003, nghĩa là sau hơn 4 năm kể từ khi nhận được lá đơn đầu tiên, Bộ VH-TT đã chỉ đạo Cục Bảo tồn Bảo tàng và Sở VH- TT Nghệ An phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Sử học tổ chức một cuộc Tọa đàm về Phan Vân và Di tích miếu mộ nhà thờ Phan Vân. Nhiều học  giả có uy tín đã tham gia cuộc tọa đàm này. Cuộc tọa đàm đã đưa ra một số kết luận khách quan về nhân vật Phan Vân. Xin trích nguyên văn một số điểm chủ yếu sau:

– Phan Vân là một nhân vật có thật, là thủy tổ dòng họ Phan ở Bắc Thành và một số chi ở các nơi.

– Phan Vân có công tổ chức khai hoang với diện tích lưu truyền lại cho con cháu đến hàng trăm mẫu. Thành tựu khẩn hoang đó được ghi nhận trong gia phả ,câu đối, văn bản chữ Hán của dòng họ và nhân dân địa phương; được phản ánh trong nhiều địa danh (thôn Chánh Sứ, ngã ba Chánh Sứ, cồn Kho, khe Gạo …) và di tích đập Bầu Trang (đã được xây dựng lại), được nhân dân trong vùng biết ơn và tôn vinh. Dĩ nhiên công cuộc khai hoang ở Kim Thành, Tiền Thành xưa còn được tiếp tục nhiều thế hệ sau.

– Theo gia phả họ Phan ở Tràng Thành , Phan Vân có tham gia khởi nghĩa Lam Sơn dưới hình thức và mức độ lập đồn điền và cung cấp quân lương. Còn việc Phan Vân có quan hệ với Nguyễn Chích ở Thanh Hóa, diệt đồn Yên Bang, xây dựng đồn Động Đình … Hiện nay chưa có tư liệu tin cậy để xác nhận.

Những kết luận của cuộc Tọa đàm đã ghi nhận hai điều mấu chốt về bản Hồ sơ khoa học: Một là, những ghi nhận về công lao của Phan Vân trong công cuộc khai hoang chỉ dựa vào gia phả và ghi chép của dòng họ. Hai là, việc Phan Vân tham gia khởi nghĩa Lam Sơn hiện chưa có tư liệu để xác nhận. Cuối cùng, cuộc Tọa đàm đưa ra kiến nghị: “Trên cơ sở kết luận khoa học trên đây, đề nghị Cục Bảo tồn, Bảo tàng và Sở VH- TT Nghệ An kiểm tra lại “Hồ sơ khoa học miếu mộ và nhà thờ Phan Vân” do Sở VH- TT Nghệ An lập năm 1993, đảm bảo tính khoa học, khách quan và trung thực. Căn cứ những tiêu chí xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa của nhà nước, đề nghị Cục Bảo tồn Bảo tàng xem xét lại và xử lý thỏa đáng việc xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Miếu mộ và nhà thờ Phan Vân”

Căn cứ vào kết luận khoa học của cuộc Tọa đàm ngày 11-1-2003 và việc kiểm tra xem xét lại hồ sơ của Cục Bảo tồn Bảo tàng và sở VH – TT Nghệ An, ngày 15- 8- 2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Phạm Quang Nghị đã ký Quyết định số 46/2003QĐ – BVHTT “Về việc thu hồi Quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh. Nội dung quyết định nêu rõ: “Thu hồi Quyết định số 2015 /QĐ-BT ngày 16- 12- 1993 của Bộ VH- TT về việc công nhận Di tích Lịch sử  miếu mộ nhà thờ Phan Vân ở xã Bắc Thành , huyện Yên Thành , tỉnh Nghệ An, chuyển hồ sơ Di tích Lịch sử  miếu mộ nhà thờ Phan Vân để UBND tỉnh Nghệ An xét quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh theo thẩm quyền”

Như vậy là Di tích miếu mộ nhà thờ Phan Vân sau 10 năm là di tích cấp Quốc gia sau Quyết định này lại trở lại bình thường và sẽ xếp hàng chờ UBND tỉnh Nghệ An xét xem có xứng đáng là Di tích cấp tỉnh hay không. Đây là một quyết định kịp thời, đúng đắn, hợp lòng dân rất được dư luận đồng tình.

Bài học cảnh tỉnh

Việc quyết định công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia của một di tích là căn cứ vào bộ hồ sơ khoa học về di tích đó. Bộ Hồ sơ khoa học cần phải mang tính khách quan, khoa học và tính chân thực lịch sử. Căn cứ để lập Hồ sơ khoa học là các ghi chép trong chính sử, các văn bia, các bằng sắc của các triều đại phong kiến phong tặng trước đây. Còn gia phả dòng họ và truyền thuyết dân gian chỉ có tính chất tham khảo mà thôi. Không thể lấy vài ba điều ghi chép trong gia phả rồi thêm thắt một ít truyền thuyết dân gian để lập thành Hồ sơ khoa học được.small_14600

Mặt khác, việc con  cháu trong dòng họ tri ân tổ tiên là một tình cảm hướng về cội nguồn rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, tri ân Tổ tiên không có nghĩa là chúng ta khoác cho Tổ tiên những công lao mà các ngài không có. Việc đó chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Việc thu hồi quyết định công nhận Di tích lịch sử Phan Vân là một bài học cảnh tỉnh cho những ai đang có ý đồ bốc thơm, đánh bóng tên tuổi cha ông với mục đích vụ lợi. Xã hội chúng ta còn nhiều đồ giả như hàng hóa giả, bằng cấp giả nhưng trong lĩnh vực thiêng liêng nhất là Danh nhân lịch sử của đất nước , quyết không thể để có danh nhân giả !

Trích từ cuốn Lịch sử và sự ngộ nhân (Nxb Từ điển Bách khoa, 2008)

*

Mời đọc thêm bài:

Giới thiệu cuốn LỊCH SỬ VÀ SỰ NGỘ NHẬN của Phan Duy Kha

 

Entry filed under: Uncategorized.

Với Mai Hồng Niên và “Quê mình xứ Nghệ” Thợ cày thành danh nhân hay sự bịa đặt lố bịch của một bộ Hồ sơ khoa học

21 bình luận Add your own

  • 1. Anhbasam Điểm Tin thứ Hai, 28-10-2013 | doithoaionline  |  Tháng Mười 28, 2013 lúc 3:34 sáng

    […] lịch sử, công nhận di tích cấp quốc gia do dựa vào những điều bịa đặt: Xung quanh việc thu hồi quyết định công nhận Di tích lịch sử Phan Vân (Phan Duy Kha). “Xã hội chúng ta còn nhiều đồ giả như hàng hóa giả, bằng […]

    Trả lời
  • 2. Thứ Hai, 28-10-2013 | Dahanhkhach's Blog  |  Tháng Mười 28, 2013 lúc 8:21 sáng

    […] lịch sử, công nhận di tích cấp quốc gia do dựa vào những điều bịa đặt: Xung quanh việc thu hồi quyết định công nhận Di tích lịch sử Phan Vân (Phan Duy Kha). “Xã hội chúng ta còn nhiều đồ giả như hàng hóa giả, bằng […]

    Trả lời
  • 3. Đỗ Phong, Mộ Lao, Hà Đông.  |  Tháng Mười 28, 2013 lúc 11:09 sáng

    Nếu tôi nhớ không lầm thì ngay cả GS Phan Huy Lê cũng đã bị tác giả Bùi Thiết vạch trần ý đồ định biến Phan Liêu, một tên phản bội Tổ quốc (đầu hàng giặc Minh và cung cấp cho chúng bản đồ cũng như rất nhiều tài liệu quan trọng về tình hình đất nước- xem ĐVSKTT)thành một nhà ái quốc, một danh nhân lịch sử xứng đáng đặt tên đường! GS Lê cũng còn nhiều lần khác bị các đồng nghiệp vạch rõ là ngụy khoa học (Xem Đối thoại sử học).Thật đáng buồn cho khoa học lịch sử.

    Trả lời
  • 4. NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ HAI 28-10-2013 | Ngoclinhvugia's Blog  |  Tháng Mười 28, 2013 lúc 1:18 chiều

    […] lịch sử, công nhận di tích cấp quốc gia do dựa vào những điều bịa đặt: Xung quanh việc thu hồi quyết định công nhận Di tích lịch sử Phan Vân (Phan Duy Kha). “Xã hội chúng ta còn nhiều đồ giả như hàng hóa giả, bằng […]

    Trả lời
  • 5. Chu Thiên Phái  |  Tháng Chín 21, 2014 lúc 1:16 chiều

    tôi nghĩ ơ xứ ta chuyện đó không thiếu, thậm chí còn chạy các cửa để được xếp hạng di tích ấy chứ. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng nên kiểm tra lại chứ ai hơi đâu mà kiện trừ các bác đồ nghệ.

    Trả lời
    • 6. phanduykha  |  Tháng Chín 21, 2014 lúc 2:04 chiều

      Kiện lên kiện xuống mãi mà hàng chục năm sau mới giải quyết. Nếu không kiện thì chả có cơ quan nào xem xét đâu bạn ạ. Ở Việt Nam bạn còn lạ gì nữa !

      Trả lời
  • 7. Phan Xuân Diệu  |  Tháng Tư 4, 2015 lúc 2:04 chiều

    Gửi Tiên sinh Phan Duy Kha.
    Khẩu khí, văn phong bài này của Phan tiên sinh sao mà y chang mấy bài đang báo Nghệ An và đơn từ của 2 Trần tiên sinh (Xán và Trinh) quá. Chắc các tiên sinh có sự bàn bạc phân công nhau tiền hô hậu ủng và người đứng sau các vị chu cấp phương tiện chắc là tiên sinh họ Nguyễn giàu có nhất nhì đô thành nhờ tài buôn lậu bằng máy bay (suýt vào tù một bận). Kết cục của đòn hội đồng này là một cụ Tổ của tiên sinh họ Nguyễn được Bằng công nhận là Triệu cơ. Thế nhưng nhân dân nơi đó chỉ biết có một Triệu cơ, một Nhân thần đã hiển linh nhiều đời đó là cụ Phan Vân. Miếu mộ cụ từ xưa đã linh thiêng, nay thành nơi tụ họp đông đúc, do nhân dân tại đó chủ trì thờ cúng quanh năm, càng linh thiêng hết mực. Tin hay không mời Phan tiên sinh bớt thời gian vàng ngọc quá bộ về xã Bắc Thành và xã Trung Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khảo chứng. Nếu tiên sinh đi vào đúng ngày 10/3 âm lịch hàng năm thì càng hay. Tuy nhiên tiên sinh đã đúng khi nói người làm Hồ sơ khoa học đã cố gượng ép đưa vào một số điều chưa được kiểm chứng. Tai hại thay, không cần những điều đó thì công đức của cụ Phan Vân mà Hồ sơ khoa học này nêu lên đã quá thừa điều kiện để thông qua. Rõ là vẽ rắn thêm chân. Còn vị tiên sinh họ Trần nguyên Trưởng ty thì xin tiên sinh tìm hiểu thêm, đừng vì cái danh mà sợ hãi choáng ngợp. Thật giả vàng thau lẫn lộn không đâu hơn ở vị này.

    Trả lời
    • 8. phanduykha  |  Tháng Tư 5, 2015 lúc 4:19 sáng

      Cảm ơn ông đã cung cấp tư liệu. Thật ra, tôi không biết hai ông họ Trần mà ông ám chỉ (Ông Trinh và ông Xán), tôi lại càng không biết ông tiên sinh họ Nguyễn là ông nào. Nếu có thể thì xin ông cho biết thêm. Còn về trường hợp cụ Phan Vân thì đã có mấy cuộc Hội thảo khoa học đánh giá rồi, GS Phan Huy Lê là người chủ trì hội thảo, thiết tưởng không có gì cần phải bàn thêm. Thân ái chào ông.

      Trả lời
  • 9. Phan Xuân Diệu  |  Tháng Tư 5, 2015 lúc 9:36 sáng

    Rất cám ơn ông cho đăng bài và viết phản hồi.
    Tôi nghĩ một trang cá nhân nên và cần người vào bình luận nên xin góp một tí, mong ông cho phép và thông cảm. Còn trường hợp cụ Phan Vân thì tôi cũng không bàn thêm theo nghĩa đôi co kiện cáo. Nhưng rất buồn là ông kết luận “không có gì phải bàn thêm” vì đã có “mấy cuộc Hội thảo khoa học đánh giá rồi, GS Phan Huy Lê là người chủ trì hội thảo”. Chất lượng của mấy cái Hội thảo do ngài PHL chủ trì thiết tưởng bác Đỗ Phong (Mộ Lao, Hà Đông) đã nói hộ tôi. Tôi nghĩ ông nên đọc commemt của bạn hữu. Còn mấy tiên sinh danh giá kia thì ông có thể tìm hiểu qua cụ Phan Tương mà ông đã có liên hệ. Tôi nghĩ rằng sau khi tìm hiểu ông có thể có bài viết để làm nhẹ đi phần nào chất cay nghiệt và thiếu khách quan của bài Xung quanh việc thu hồi quyết định công nhận Di tích lịch sử Phan Vân chăng. Kính ông.

    Trả lời
    • 10. phanduykha  |  Tháng Tư 6, 2015 lúc 4:07 sáng

      Xin ghi nhận ý kiến đóng góp của ông. Xin mời ông và bạn đọc góp ý kiến phản hồi. Tôi không ngại đăng những ý kiến khác với quan điểm của mình. Miễn là ý kiến đó có cơ sở khoa học và có tinh thần xây dựng.

      Trả lời
  • 11. Phan Xuân Diệu  |  Tháng Tư 6, 2015 lúc 8:53 sáng

    Thật là thất kính khi tôi đã dám viết bài “phản biên” lại ông, tôi quả thật mới biết ông là nhà nghiên cứu lịch sử sau khi đọc blog của ông. Mong ông thông cảm và vì ông không ngại nên tôi xin được dài dòng tiếp mấy lời.

    Xin nói qua về HSKH di tích cụ Phan Vân. Hồ sơ này do Sở VHTT Nghệ An làm, ông Trần Minh Siêu chủ trì. Trong quá trình làm hồ sơ chắc có liên hệ với họ Phan (chi Đại tôn) và cụ Phan Tương – tác giả cuốn Họ Phan trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
    Về dòng họ cụ Phan Vân: Họ có khoảng 30 cụ tước quận công, rất nhiều cụ tước hầu, bá, tử, nam khó mà kể hết một lúc (Riêng một nhánh ở Nam Yên Thành đã có 16 cụ tước quận công, 29 cụ tước hầu, chủ yếu vào thời Lê Trung hưng). Dân gọi tắt là họ “Phan Quận” để phân biệt với họ khác. Lịch triều ban phong cho họ là Công thần tộc còn cụ Phan Vân được ban Thưởng đẳng phúc thần, giao cho xã Tiền Thành (nay là 3 xã Trung, Nam, Bắc Thành) phụng thờ. Hiện nay tại nhà thờ cụ Phan Vân đang lưu giữ hơn 30 bản gốc Sắc phong, Lệnh chỉ, Chế, Cáo của triều Lê, Nguyễn ngoài ra còn rất nhiều cuốn Gia phả, sách ghi chép khác, quí hiếm đến nỗi mấy bác chi họ Phan ở Can Lộc (quê của ông đấy) đã nhiệt tình cung tiến hẳn một cái két sắt to để cất. Năm 1964 và 1996 tỉnh Nghệ An làm kiểm kê di tích lịch sử văn hóa đều liệt hạng mục Miếu mộ và Nhà thờ cụ Phan Vân vào danh sách. Nói thế để biết con cháu chả cần bịa đặt, thêm thắt hay bốc thợm các cụ làm gì và HSKH không làm ẩu, các cán bộ như ông Trần Minh Siêu đầy tâm huyết, kiến thức sâu rộng, chuyện chạy chọt ngày đó (1993) chắc không có (chi họ Đại tôn có 4-5 hộ thôi, ngày đó còn nghèo đói nên việc họ cũng chưa được nhiều người quan tâm như bây giờ). Khi Nhà Nguyễn kế Nhà Lê, theo lệ cũ, nhà vua căn cứ đề nghị của triều thần ban sắc phong cụ Phan Vân là Thượng đẳng phúc thần, chắc là không có chuyện xin xỏ hay lập hồ sơ khoa học gì. Ông quá rõ lệ phong thần của Nhà Nguyễn chặt chẽ như thế nào? Lẽ ra triều đại này cũng phải làm như thế để tiếp nối mạch nguồn. Cá nhân tôi không khi nào đồng ý việc “chứng nhận di tích” này, nó không khác gì một sự bất kính, hỗn hào đối với cụ. Nhất là cái Bằng chứng nhận đó – tức là tương đương sắc phong ngày xưa, lại do một ngài Bộ trưởng hay Phó Chủ tích tỉnh ký, mà lại chứng cái nhà, cái mộ chứ không thấy chứng cho người, hài đến thế là cùng!!! Chuyện kiện cáo này là do 1 bên làm từ đầu đến cuối, họ Phan chỉ chịu trận, tặc lưỡi cho qua, cốt ở nhân dân vẫn thờ phụng Ngài, con cháu và nhân dân nói chung ngày càng đoàn kết quây quần và làm ăn lương thiện là được.
    Về bài viết của ông:
    1.Ông có trích dẫn 2 cuốn Gia phả chứng tỏ ông đã xem hoặc có bản sao. Theo Gia phả chúng tôi thì cụ Phan Vân vì loạn Hồ Quí Ly nên dời(không chạy) vào xứ Kẻ Rộc, cụ không chạy giặc Nguyên Minh (và làm gì có “giặc Nguyên Minh” nhỉ?). Nếu được thì ông cho biết rõ hơn về 2 cuốn Gia phả đó.
    2. Ông đã quá lo xa cho hậu quả vụ thu hồi này. Nhưng lo một bên thôi, còn bên kia, cái bên kiện cáo, sao không thấy ông lo. Hãy về tận nơi để biết họ có ngẩng mặt lên được không sau “chiến thắng oanh liệt” này? Còn phía cụ Phan Vân thì ông khỏi lo, nhân dân đang muốn xây to hơn cho xứng đáng mức độ linh thiêng. Có nhiều điều tôi không thể viết ra đây được, chỉ nhắc ông, vụ này sặc mùi cá nhân cay cú, liên quan đến thời đảng bộ Yên Thành tan chạy, có kẻ đầu hàng, có kẻ trùm chăn cơ hội đục nước béo cò, lên chức ầm ầm, Lão thành CM vv… Khó thế đấy, không thể chỉ nhìn qua mà phán được. Đó cũng là vấn đề lịch sử cần nghiên cứu vậy.
    3. Tôi không thể kính trọng những kẻ viết sử, dạy sử theo kiểu PH Lê được. Họ giỏi ở đâu tôi không biết, chỉ biết ngài này phán rằng “Phan Vân không có trong chính sử” là câu chốt chết HSKH của Trần Minh Siêu. Than ôi, chính sử mà ông và tôi có chỉ là đại cương, là cuốn biên niên của nhà vua, lịch sử có bấy nhiêu thôi ư? Vậy thì cần gì chính bản thân ông phải khổ công tìm tòi, đào bới,viết lách, tranh luận? Mấy ai được Chính sử chép cho một vài chữ, một vài dòng! Theo PH Lê, người được chép đó có hiển nhiên được các vị cấp Bằng chứng nhận không hay còn phải làm HSKH?
    4. Thật ra bài viết này không phải của ông. Vì sao như vậy, vì nó không giống ông một chút nào. Bài viết nhiều chất cay cú hằn học, có tính bới móc, có chút hả hê, có chút dạy đời theo kiểu đạo đức giả hẳn là của một người trong cuộc.
    Kính ông.

    P

    Trả lời
  • 12. phanduykha  |  Tháng Tư 6, 2015 lúc 11:01 sáng

    Cảm ơn những lời góp ý hết sức chân thành và thẳng thắn của ông. Bốn điều góp ý đó giúp cho tôi có cái nhìn công bằng hơn , khách quan hơn về vấn đề này.
    Xin được cảm ơn và ghi nhận.

    Trả lời
  • 13. Phan Xuân Diệu  |  Tháng Tư 6, 2015 lúc 3:02 chiều

    Quả thật vì bức xúc khó kìm nén khi viết nên có vài chỗ đọc lại tôi cũng thấy nặng nề. Xin cám ơn độ lượng của ông.

    Tuy nhiên, nếu ông thực tâm thì phải làm một cái gì đó. Chúng tôi luôn sẵn sàng cùng ông khảo sát thực tế, tham khảo tài liệu. Không phải để thanh minh giải bày gì, chỉ để ông có căn cứ để đính chính, cho người đọc một cái nhìn đúng hơn, chính xác hơn, không đen tối như bài này. Vì bài của ông đăng lên mạng đã được in thành sách và câu chuyện “thu hồi” này lại được ông làm đề dẫn cho một chuyện tương tự nên tác động của nó là không nhỏ. Địa chỉ của tôi: Phan Xuân Diệu, Số 53, ngõ 40, Phố Phan Đình Giót, Hà Nội. Tôi 55 tuổi, ít hơn ông nhiều, mong ông không phiền lòng vì phải tiếp chuyện kẻ hậu sinh.

    Trả lời
    • 14. phanduykha  |  Tháng Tư 7, 2015 lúc 2:16 sáng

      Cảm ơn ông đã góp ý. Đã có số nhà rồi, sẽ có ngày nào đó tôi sẽ đến thăm ông, để bàn lại câu chuyện này.

      Trả lời
  • 15. Lê Minh Thân  |  Tháng Tư 8, 2015 lúc 5:09 chiều

    Hai ông họ Phan choảng nhau nhưng xem ra cái ông PDK chuyên gia phản biện vụ này nghe hơi nồi chõ rồi viết bừa chả có căn cứ gì. Thật ra thì với tiền nhân cũng như chuyện họ mạc của người ta mình viết lách nói năng phải cẩn trọng, nhất là khi chưa nắm rõ.

    Trả lời
    • 16. phanduykha  |  Tháng Tư 9, 2015 lúc 5:18 sáng

      Tôi không phải “nghe hơi nồi chõ” mà viết bừa đâu bạn! Cách đây trên 10 năm, khi viết bài này, tôi đã có trong tay các đơn thư khiếu nại của bên nguyên (người khiếu kiện) cũng như những lời bào chữa thanh minh của bên bị (người bị kiện) .Tôi lại có văn bản kết luận của các cuộc tọa đàm, hội thảo về vấn đề này. Các cuộc hội thảo, tọa đàm đó đều do Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Viện Sử học chủ trì với sự tham gia của các GS, TS Sử học (chứ đâu phải chỉ riêng GS Phan Huy Lê mà áp đặt ý kiến cá nhân) nên không thể có chuyện sai đâu bạn ạ. Tuy nhiên, trong cách hành văn, có hơi nặng nề. Tôi sẽ rút kinh nghiệm.
      Thân ái chào bạn.

      Trả lời
  • 17. Lê Minh Thân  |  Tháng Tư 8, 2015 lúc 5:21 chiều

    P/S: Bài của PDK lập luận sắc sảo, chứng cớ có vẻ rõ ràng, người đi kiện xem ra toàn bậc đáng kính…không có mấy bài của ông PXD thì tôi cũng tin sái cổ. Tuy nhiên như đã nói, hành văn kiểu này nên rút kinh nghiệm. Động chạm vào tổ tiên người ta cũng như vào tổ tiên mình vậy.

    Trả lời
  • 18. Lê Minh Thân  |  Tháng Tư 9, 2015 lúc 8:48 sáng

    Ông PH Lê ngồi đó rồi thì còn ai nói được gì, GS, TS thì cũng học trò của ông ấy. Tôi thì tôi chả tin những Hội thảo kiểu này, toàn là hợp thức hóa ý kiến lãnh đạo.

    Trả lời
    • 19. phanduykha  |  Tháng Tư 9, 2015 lúc 9:34 sáng

      Tin hay không là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, kết luận của các cuộc hội thảo là ý kiến chính thống của các tổ chức khoa học,của các nhà khoa học tham gia. Nếu bạn không tin vào quan điểm chính thống thì tôi cũng đành chịu, còn tôi, tôi chỉ biết tin vào quan điểm chính thống thôi. Trước mỗi sự kiện, mỗi người nhận định một cách, theo quan điểm riêng của mình. Nếu không tin vào quan điểm chính thống thì biết tin ai?

      Trả lời
  • 20. Lê Minh Thân  |  Tháng Tư 9, 2015 lúc 4:03 chiều

    Ông tự mâu thuẫn với chính mình. Khi ông khẳng định “chỉ biết tin vào quan điểm chính thống thôi” thì còn gì là “phản biện”, vậy mà ông lại vỗ ngực cho mình là người như thế. Nói thật với ông tôi là con dân Hưng Giáo, gần ngay Bình Đà- những chuyện ông viết về Bình Đà không khác gì mấy so với chuyện này. Ông quá cao ngạo, trong khi ông chưa đủ tầm để cao ngạo (tôi có đọc blog của ông và thấy bác Nguyễn Đắc Xuân có hỏi ông trình độ Hán học của ông như thế nào). Không thể cứ có diễn đàn là ào ào chém ngang phạt dọc như thế. Thánh bất tự mãn, huống ư nhân hồ!

    Trả lời
  • 21. Phan Xuân Diệu  |  Tháng Tư 10, 2015 lúc 4:09 sáng

    Cũng hay, có người tham gia. Ở Huế ông chọc bác Đắc Xuân, ở Bình Đà ông chọc bác Bá Thịnh, ở Nghệ an ông chọc bác Minh Siêu… Ông như một hiệp sỹ đánh đông dẹp bắc, không chịu để ai yên, may mà ông chưa là GS – TS đầu ngành như PHL. Từ nay xin vái ông 3 vái.

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Mười 2013
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Most Recent Posts