Tọa đàm về thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ khai khoa Nguyễn Tâm Hoằng

Tháng Mười 7, 2013 at 2:55 sáng Bình luận về bài viết này

P1070454Ngày 6-10-2013 (tức ngày 2-9 âm lịch), nhằm ngày giỗ Cụ Nguyễn Tâm Hoằng, tại trụ sở UBND xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh đã diễn ra buổi Tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của vị Tiến sĩ khai khoa của quê hương.

Về dự buổi Tọa đàm có ông Đặng Trần Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc, và đại diện phòng Văn hóa huyện. Về phía địa phương có  ông Đào Hùng, Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Xuân Nghị, chủ tịch UBND xã, đại diện các ngành các cấp, đại diện các dòng họ danh nhân, và bà con họ Nguyễn, hậu duệ của cụ Nguyễn Tâm Hoằng. Chúng tôi, đại diện của Hội đồng hương xã Song Lộc tại Hà Nội cũng được mời về dự.

Cụ Nguyễn Tâm Hoằng là vị Tiến sĩ khai khoa của tổng Lai Thạch xưa. Cụ đỗ TS khoa Mậu Tuất đời vua Lê Thánh Tông (1478), mở đầu cho con đường học hành khoa bảng của quê ta. Hiện nay, tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám, Hà Nội còn tấm bia ghi tên tuổi những người đỗ đạt khoa này. Từ Khuê Văn Các đi vào,bia nằm ở nhà bia đầu tiên, bên trái, vị trí thứ 6, hàng trước (ảnh đầu bài là chụp lại ảnh tấm bia này trưng bày tại hội trường). Sau cụ đến gần 300 năm việc học hành đỗ đạt mới lại nở rộ vào thế kỷ 18, với các vị: Nguyễn Hành, đỗ TS khoa Quý Sửu (1733), Phan Kính, đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Quý Hợi (1743), Nguyễn Huy Oánh, đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn (1748), và Nguyễn Huy Quýnh, đỗ TS khoa Nhâm Thìn (1772). Sau đó, suốt cả thời gian trị vì của nhà Nguyễn, hơn 140 năm, cả tổng Lai Thạch (bao gồm 6 xã Song, Trường, Nga, Phú, Kim, Thuận Lộc hiện nay) không có thêm một vị nào đỗ đại khoa nữa. Điều đó cho thấy rằng, việc đỗ đạt đại khoa là hiếm hoi vô cùng, và người đỗ đạt cũng làm rạng danh cho quê hương nhiều lắm.

Về cụ Nguyễn Tâm Hoằng, sử sách ghi lại rất ít ỏi. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch ghi: “Nguyễn Tâm Hoằng người xã Lai Thạch huyện La Giang . Theo Đăng khoa lục , năm 45 tuổi ông đỗ TS khoa Mậu Tuất đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), làm quan đến Tá lý công thần, Tả thị lang bộ Lễ” . Từ thông tin này, chúng ta có thể suy ra, năm sinh của cụ là năm 1434 (tuổi âm lịch tính dư thêm 1 tuổi so với dương lịch)

Sinh thời, Nguyễn Tâm Hoằng sinh con một bề, được 10 bà con gái. Theo gia phả các dòng họ Nguyễn Huy làng Tràng Lưu và họ Phan Vĩnh Gia, thì trong 10 bà ấy có bà con cả lấy về họ Phan Vĩnh Gia, một bà con thứ lấy về họ Nguyễn Huy Tràng Lưu. Cũng vì ông bà không có con trai nên sau khi mất, việc thờ tự giao cho người rể cả, tức là ông tổ dòng họ Phan Vĩnh Gia, tổ 6 đời của Đình nguyên Thám hoa Phan Kính. Chính vì vậy mà hiện nay tại nhà thờ họ Phan ở đây còn hai đạo sắc phong của cụ Nguyễn Tâm Hoằng và bát hương thờ Cụ. Theo gia phả họ Phan Vĩnh Gia thì Cụ Nguyễn Tâm Hoằng mất năm 1510, hưởng thọ 76 tuổi. Hằng năm, họ Nguyễn vẫn giỗ Cụ vào ngày 2-9 âm lịch. Vậy có thể suy ra, Cụ mất ngày 3-9 Canh Ngọ (vì giỗ trước 1 ngày), niên hiệu Hồng Thuận thứ 2, đời vua Lê Tương Dực  (1510).

Tại buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Huy Mỹ  đã đọc một bản tham luận dài về thân thế và sự nghiệp của TS Nguyễn Tâm Hoằng. Bằng nỗ lực của cá nhân, anh đã đi nhiều nơi, tìm hiểu tư liệu, hỏi chuyện các bậc già cả của các dòng họ, nhờ dịch thuật các văn bản Hán Nôm, hiện nay, đã có được một số tư liệu sau đây , liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Tâm Hoằng:

– Bản dịch văn bia TS khoa Mậu Tuất (1478)

– Ảnh chụp và bản dịch hai đạo sắc phong của cụ Nguyễn Tâm Hoằng.

– Văn tế hàng tổng tại nhà Thánh Văn, trong đó tên hiệu của Cụ Nguyễn Tâm Hoằng được xướng lên đầu tiên. Vị hiệu của Cụ là: “Hồng Đức Mậu Tuất khoa Tiến sĩ, tiến chức Tá lý công thần Hữu thị lang bộ Lễ, Tả tham chính – Ngài Nguyễn Công , tự Tâm Hoằng, bao phong Linh quang Hiển ứng Quang ý  Dực bảo Trung hưng tôn thần”. Trong bản Văn tế này, ngoài tên 14 vị đỗ đạt đại khoa và trung khoa (tức từ Hương cống trở lên), còn có hai vị võ tướng, có công với triều đình, được phong tới chức Thượng tướng quân, tước Hầu (Thuần Nghĩa hầu và Tường Lễ hầu). Tuy nhiên, sự tích, hành trạng của các vị không còn gì để lại, nên không tra cứu được (nội dung bản tham luận và bản Văn tế xem phần trích đăng ở dưới bài)

Ông Phan Bình, đại diện họ Phan Vĩnh Gia, phát biểu về việc vì sao tại từ đường họ Phan lại có bát hương thờ Cụ Nguyễn Tâm Hoằng và hai đạo sắc phong của cụ. Ông cũng cung cấp cho hội nghị về năm mất của cụ Nguyễn Tâm Hoằng là năm 1510. Sau đó một số vị đại diện hậu duệ của cụ Nguyễn Tâm Hoằng, một số vị đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp thêm. Nhiều người còn nhớ lại hình ảnh lăng mộ của cụ trước đây, cạnh hồ Chợ Tổng, được xây ốp bằng gạch, đá, có chóp nhọn cao vút lên, rất bề thế, gọi là mộ Cố Nghè (nghè là tên dân gian gọi người đỗ Tiến sĩ), là một di tích quý đã tồn tại đến gần 500 năm! Tuy nhiên, vật đổi sao dời, sau sự kiện dồn điền đổi thửa vào những năm 79, 80 của thế kỷ trước, lăng mộ của cụ đã bị san bằng và hài cốt được chuyển đến địa điểm hiện nay, nghĩa trang Hoa Trạm, một ngôi mộ rất đơn sơ, còn không bằng mộ của “thập loại chúng sinh”  ở xung quanh…Thật đáng tiếc !

Cuối cùng là phát biểu tổng kết buổi tọa đàm của ông Đào Hùng, bí thư Đảng ủy.

Như vậy, hồ sơ về Cụ Nguyễn Tâm Hoằng, hiện nay chúng ta có: Nhà thờ, phần mộ của cụ, hai đạo sắc phong, một số văn bản liên quan đến cuộc đời của cụ. Đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Sau buổi Tọa đàm, các vị đại biểu ra thắp hương phần mộ và nhà thờ cụ Nguyễn Tâm Hoằng. Phan Duy Kha sau đó còn tranh thủ đến chụp ảnh Nhà Thánh Văn (thường gọi tắt là Nhà Thánh, tức là Văn Miếu hàng Tổng) và hai con Voi đá ở Đền Voi Mẹp, để làm tư liệu.

*

Ảnh giữa bài: Bản đồ vùng đất Lai Thạch xưa (Click vào ảnh để phóng to)

*

Xin mời xem thêm bài liên quan:

– Họp đồng hương Song Lộc tại Hà Nội, 2013

– Về quê, quê hương nỗi niềm: https://phanduykha.wordpress.com/2013/05/15/ve-que-anh/#more-3820

*

Sau đây là một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm. Từ trên xuống (Click vào từng ảnh để xem ảnh phóng to):

         Phát biểu tham luận của TS Nguyễn Huy Mỹ.

         Ông Phan Bình, đại diện họ Phan Vĩnh Gia phát biểu ý kiến

         Ông Nguyễn Liêm, cựu Chủ tịch xã

         Ông Nguyễn Đông Lĩnh, đại biểu Hội đồng hương tại Hà Nội

         Ông Nguyễn Huy Viện, đại biểu Hội đồng hương tại Hà Nội

         Ông Đặng Trần Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc

         Ông Nguyễn Hữu Cầm, đại biểu Hội đồng hương tại Hà Nội

         Ông Đào Hùng, Bí thư Đảng ủy, phát biểu tổng kết buổi Tọa đàm

         Thắp hương tại  phần mộ và nhà thờ

         Bia đá ở nhà Thánh Văn (Văn Miếu hàng tổng)

         Hai con voi ở đền Vĩnh Gia.P1070454P1070453P1070462P1070464P1070471P1070479P1070480

*

Phụ chép:

Về Cụ Nguyễn Tâm Hoằng, người khai khoa xã Lai Thạch

Bài của TS Nguyễn Huy Mỹ, đăng trên Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh

  Trong một số tư liệu của dòng họ Nguyễn Huy (Nguyễn Thị gia tàng- bản dịch của Lê Hữu Nhiệm) ghi cụ làm quan Tham chính, có vợ là người họ Nguyễn hiệu là Tĩnh Nhất. Ông bà có bà con gái đầu có hiệu là Phương Dung, lấy tổ thứ hai họ Nguyễn Huy là Nguyễn Hàm Hằng (1454- ?). Bà con gái này một thời gian về phụng dưỡng, thờ cúng hai cụ, vì theo lời kể thì cụ Hoằng chỉ có các con gái, hiện nay họ Nguyễn ở Vĩnh Gia vẫn còn chi nhánh từ anh em thúc bá của cụ hoặc từ con cháu ngoại.
Cách đây khoảng hơn mười mấy năm về trước, trong những dịp gặp gỡ nói chuyện với ông Phan Khoáng – hậu duệ của Thám hoa Phan Kính (1715-1761), ông Khoáng thường nói với chúng tôi là cố gắng tìm hiểu tư liệu về Cụ Hoằng để có điều kiện vinh danh Cụ, ông cũng cho biết là ở nhà thờ họ Phan ở xã Song Lộc có 2-3 sắc phong của Cụ và bát hương thờ cúng cụ, còn mộ cụ trước khá to và đẹp gần trường cấp II Lam Kiều thì đã di chuyển sang làng Yên Thọ.
Từ đó chúng tôi vừa cố gắng tìm hiểu về cụ và kiếm tư liệu, nhưng với một người cách đây quãng thời gian gần 600 thì thật là khó.
Đầu năm 2001, chúng tôi được ông Nguyễn Huy Ước thuộc thế hệ thứ 16 họ Nguyễn Huy Trường Lưu (NHTL) là Thủ chỉ chi họ Nguyễn Huy Hổ (Thủ chỉ là người cao tuổi nhất trong họ) ở Trường Lưu, đưa cho tập văn tế bằng chữ Hán, trong đó có nhiều bài như Xuân tế, Thu tế … ở nhà thờ Nguyễn Huy Tựu. Đặc biệt có Văn tế của Hội Văn làng Trường Lưu và Văn tế của Hội Văn xã Lai Thạch. Tập văn tế được nhà Hán học Lê Hữu Nhiệm dịch năm 2001, trong phần dịch về các vị đều ghi di hiệu, chức tước, năm thi đậu, niên hiệu vua trị vì, chúng tôi tra cứu và ghi lại theo năm dương lịch để bạn đọc dễ theo dõi. Qua bài văn tế trên, ta thấy các vị khoa bảng được xã tế tại Nhà Thánh của xã thì Cụ Nguyễn Tâm Hoằng là người đứng đầu trong danh sách 16 vị được tế của xã Lai Thạch.
Dịp Xuân Quý Tỵ, ngày 24 tháng 2 năm 2013, tức ngày Rằm tháng Giêng, chúng tôi cùng anh Đào Hùng là Bí thư Đảng ủy xã và anh Phan Tịnh là cán bộ văn hóa xã Song Lộc, đã vào nhà ông Nguyễn Huy Lộc là con trai cụ Nguyễn Văn Tam là người hương khói cụ Nguyễn Tâm Hoằng, và được biết ngày giỗ cụ Hoằng là ngày mồng Ba tháng Chín, bàn thờ Cụ đặt ở nhà ông Nguyễn Văn Tam, vào ngày này gia đình ông Tam trước đây và nay là ông Lộc vẫn thắp hương tưởng nhớ Cụ. Sau đó chúng tôi đến nhà thờ họ Phan và ở làng Sào Nam xã Song Lộc. Nhà thờ này là nơi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gắn với Danh nhân văn hoá Phan Kính. Tại nhà thờ họ Phan, cũng theo lời anh Tịnh và vợ chồng người ở nhà ông Khoáng ngay bên nhà thờ (không nhớ tên, chỉ biết là người họ Phan), chúng tôi được biết là có 2-3 sắc phong cho cụ Hoằng đã được dịch ra chữ quốc ngữ cùng với khoảng 17-18 tờ sắc của dòng họ Phan.
Theo lời của anh Hùng và ông Lộc, phần mộ của cụ Hoằng và cụ Bà, trước đây là hai ngôi mộ xây duy nhất ở làng Vĩnh Gia, nay đã chuyển về nghĩa trang của xã, hiện đã được tu sửa cẩn thận. Như vậy về cụ Nguyễn Tâm Hoằng hiện còn phần mộ, nhà của ông Nguyễn Văn Tam (đã mất) có bàn thờ là nơi con cháu vẫn tổ chức thờ cúng Cụ. Các tư liệu về cụ, nay có 2-3 tờ sắc được lưu giữ ở nhà thờ họ Phan, văn bia Tiến sĩ khoa Mậu Tuất 1478, và đặc biệt là văn tế của xã Lai Thạch (bản chữ Hán đã được cụ Lê Hữu Nhiệm dịch) trong đó cụ Hoằng đứng thứ nhất là người khai khoa cho xã Lai Thạch. Theo lời ông Lộc, Cụ nguyên là người xã Đức La huyện Đức Thọ về ở rể tại làng Vĩnh Gia.
Ngày 1 tháng 3 năm 2013, chúng tôi lại có buổi trao đổi với ông Phan Khoáng tại nhà riêng của ông ở Hà Nội, và cùng nhất trí là cố gắng sớm công bố các tư liệu về Cụ. Ngày 3 tháng 3 năm 2013, tại buổi họp đồng hương xã Song Lộc tại Hà Nội, chúng tôi đã giới thiệu một số nét về cụ Nguyễn Tâm Hoằng và bà con xã Song Lộc rất phấn khởi và thống nhất sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động để đưa các tư liệu, chứng cứ giúp chính quyền các cấp lập hồ sơ công nhận Danh nhân văn hóa cấp tỉnh cho Cụ, với các bước cụ thể như sau: Giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng, công bố các sắc phong, khảo sát dòng họ Nguyễn ở xã Đức La, tổ chức buổi tọa đàm tại xã Song Lộc vào ngày giỗ 3 tháng 9 âm lịch tức ngày 7 tháng 10 năm 2013 với sự tham gia của chuyên gia, hội đồng hương xã Song Lộc ở Hà Nội và chính quyền các cấp huyện và tỉnh, kiến nghị làm hồ sơ để kịp vinh danh cụ vào năm 2014 là năm kỷ niệm 580 năm ngày sinh của Cụ.
Sau đây chúng tôi giới thiệu bài văn tế của xã Lai Thạch.
Trước năm 1945, xã lai Thạch thuộc tổng Lai Thạch, tổng có 4 xã: Phúc Hải, Thường Nga, Nguyệt Ao và xã Lai Thạch, xã Lai Thạch gồm 5 làng: Trường Lưu, Vĩnh Gia, Đông Tây, Phúc Lộc và Yên Thọ. Nhà Thánh của xã nằm ở làng Vĩnh Gia, nay vẫn còn hai cột nanh, một ngôi nhà gỗ lợp ngói và một tấm bia, nằm kề bên trụ sở Ủy ban nhân dân xã Song Lộc hiện nay, đối diện trường tiểu học Phan Kính. Nhà Thánh của tổng Lai Thạch nằm ở xã Phúc Hải (theo ông Nguyễn Minh Chương (đã mất), nguyên là  Phó Văn phòng Trung ương Đảng, người xã Phú Lộc, là người từng dự lễ tế của xã của tổng ở các nơi nói trên). Ngày tế của xã chúng tôi chưa tìm được, còn ngày tế của làng Trường Lưu vào lễ Kỳ Phúc, 13 tháng Sáu âm lịch. Bài Văn tế của xã Lai Thạch như sau (bản dịch của Cụ Lê Hữu Nhiệm):

Mẫu văn tế Đinh của xã (Bản xã Đinh tế văn thức).

Duy:
+ Hoàng hiệu nước Đại Nam (tức Việt Nam từ thời Minh Mạng năm    tháng   năm, ngày theo can chi từ ngày mồng 1).
+ Tỉnh          , Huyện      , Tổng       , Xã      .
+ Tên họ hậu học (những người học đời sau)…
Đồng hội xã (cùng các thành viên Hội Văn  xã) xin cung kính cáo với
Phiên âm:  Đức phu Khổng Tử, Tiên sư chí thành vị tiền (xin mời lên trên).
Cung duy
Thánh sư, Đức phối thiên địa
Đạo quán cổ kim
San định lục kinh
Thuỳ huấn vạn thế.
Tự thích… Đinh (xã)
Cẩn dĩ… vật
Thức trần minh tiến
Cẩn cáo.
Thượng hưởng

Dĩ: (Cùng với, đồng thời):
Mời: Phục thánh Nhan Tử
Tông thánh Tăng Tử
Thuật thánh tử Tử Tư
Á thánh Mạnh tử.
Phối hưởng

Dịch nghĩa: Kính nghĩ
Bậc Thánh sư.
Đức sánh thiên địa
Đạo bao (trùm) lẽ xưa nay
San định sáu kinh (viết, biên soạn)
Để dạy muôn đời sau. Nay gặp lễ tế Đinh (xã)
Kính cẩn dâng vật lễ… Theo phép dâng lên với lòng thành kính. Nay kính lạy.
Mời hưởng lễ.

Ky: Các bậc tiền hiền mười vị triết
Các ngài tiên công Đông Vu, Tây vu.
Cập: (sau cùng xin mời)
Các vị tiên công khoa trường các đời trong thôn:
Các vị hiệu của các bậc tiên linh sau đây xin ghi theo phiên âm chữ Hán,
1. Hồng Đức Mậu Tuất khoa tiến sĩ, tiến chức: Tá lý công danh Hữu Thị Lang bộ Lễ, Tả Tham chính – Ngài Nguyễn Công tự Tâm Hoằng bao phong Linh quang Hiển ứng Quang ý Dực bảo Trung Hưng Tôn thần.
2. Cảnh Hưng Quý Hợi khoa Đình Nguyên thám hoa lang. Tha chánh sứ hành Hưng Hoá trấn thủ (vâng sắc làm chánh sứ đến nhận trấn thủ xứ Hưng hoá) tặng: Thị Lang bộ Hình Quỳ Dương bá, Phan công tự Kớnh. Bao phong: Minh triết Đại Vương; Gia tặng: Quang ý Dực bảo  trung hưng- Trác vĩ Thượng đẳng tôn thần.
3. Cảnh Hưng Mậu Thìn khoa Đình nguyên Thám hoa lang, lịch quản Binh, Công, Lễ, Hộ, tứ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử giám Tế tửu, Thượng trụ quốc Thượng giai Trí sĩ Khởi phục: Thạc lĩnh hầu – Nguyễn Công, tự Huy Oánh. Bao phong: Kinh văn vĩ vũ – Hoằng Thạc Đại Vương, gia phong: Phúc giang Thư viện Uyên bác – Cai hạp – Hiệu dụng – Đoan túc – Quang ý – Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng tôn thần.
4. Cảnh Hưng Nhâm Thìn khoa tiến sĩ Hàn lâm Thị chế – Quảng Thuận đạo Đốc thị tặng: Thị giảng – Nguyễn Công, tự Huy Quýnh.
5. Chính Hoà Tân Mùi khoa, Đặc tứ Tiến triều (đặc biệt phong hàm quan triều), Lạng Sơn đạo Giám sát ngự sử – Thái Sơn nam (phong tước nam hiệu Thái Sơn). Nguyễn Công, tự Công Ban.
6. Hồng Đức triều Quốc Tử Giám, Đường thượng xá sinh, Nguyễn Công, tự Hàm Hằng (ngài là học trò lớp trên của trường Quốc Tử Giám).
7. Vĩnh Thịnh Đinh Đậu khoa, lãnh tiến sĩ quan viên phụ (cha đẻ tiến sĩ được phong hàm quan viên) Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Công bộ Tả thị lang, gia tặng Công bộ Thượng thư, Khiết nhã hầu. Nguyễn Công, tự Huy Tựu. Bao phong: Anh liệt Đại vương, gia phong: Đương cảnh Thành Hoàng Dực bảo trung hưng – Đôn ngưng tôn thần.
8. Cảnh Hưng Kỷ Hợi khoa, Đặc tứ Tiến triều (đặc cách ban cho quan chức tại triều). Hàn lâm viện Hiệu lý, Sơn Tây Hưng Hoá đẳng xứ (các xứ) kiêm Đốc đồng (ngài) Nguyễn Công tự Huy Tự.
9. Hồng Đức triều Quốc Tử Giám sinh Nguyễn Công tự Thừa Nghiệp.
10. Đức Nguyên Ất Mão khoa, Nguyễn Như Hải, bao phong Trà Sơn linh ứng Dực bảo Trung hưng Linh phù, gia tặng Cáp nhĩ Thượng đẳng Thần
11. Vĩnh Thịnh khoa hương giải Nguyễn công tự  Sĩ Tiến
12. Vĩnh Thịnh Mậu Tý khoa Hương giải, tặng Thiếu Khanh Nguyễn Công, tự Xuân Mậu.
13. Vĩnh Khánh Kỷ Dậu khoa Hương giải, Hội Ninh huyện Tri huyện Trần Công tự Huy Báu.
14. Vĩnh Khánh Kỷ Dậu khoa Hương giải, phụng (được vua ban cho) Thị văn chức. Nguyễn Công tự Sĩ Dung
15. Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thự vệ Thuần Nghĩa hầu.
16.  Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Tham đốc Tường Lễ hầu.
Các vị Sinh đồ, Hiệu sinh, Nho sinh các triều đại trước, hễ ai có công với việc giảng dạy, có công trong đền thờ miếu thờ
Xin mời dự tế theo cùng các vị tiên công
Theo bài Văn tế trên các vị được xã tế và các năm đậu theo dương lịch như sau: \
1. Nguyễn Tâm Hoằng (1434-?), Tiến sĩ năm 1478.
2. Phan Kính (1715-1761 ), Tiến sĩ năm 1743, Đình nguyên Thám hoa.
3. Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Tiến sĩ năm 1748, Đình nguyên Thám hoa.
4.Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), Tiến sĩ năm 1772.
5.Nguyễn Công Ban (1630-1711), Hương cống năm 1654, đỗ đầu, và Hoành từ năm 1665.
6.Nguyễn Hàm Hằng, Hương cống, Giám sinh, đời vua Lê Thánh Tông.
7. Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), Hương cống năm 1717.
8.Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Hương cống năm 1759.
9.Nguyễn Thừa Nghiệp, Hương cống, Giám sinh, đời vua Lê Thánh Tông.
10.Nguyễn Như Hải, Hương cống năm 1675.
11. Nguyễn Sĩ Tiến, Hương cống năm 1705.
12. Nguyễn Xuân Mậu (1685-1736), Hương cống năm 1708.
13.Trần Huy Báu, Hương cống năm 1729.
14. Nguyễn Sĩ Dung, Hương cống năm 1729.
15. Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thự vệ Thuần nghĩa hầu.
16.Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Tham đốc Tường lễ hầu.
Trong số16 vị trên, chưa rõ Thự vệ Thuần Nghĩa hầu và Tường Lễ hầu là ai còn lại 14 vị, trong đó có 5 vị được triều Lê và Nguyễn tôn phong làm Thần là Nguyễn Tâm Hoằng, Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tựu và Nguyễn Như Hải, 3 vị được Nhà nước CHXHCNVN vinh danh là Danh nhân văn hóa cấp nhà nước: Nguyễn Huy Tự (1991), Phan Kính (1992), Nguyễn Huy Oánh (2006) và cấp tỉnh: Nguyễn Huy Quýnh (2005), Nguyễn Huy Tựu 2011).
Qua bài văn tế, ta thấy cụ Nguyễn Tâm Hoằng được triều Nguyễn phong Thần và sau đó còn 2-3 lần được gia tặng thêm mỹ tự.

NHM

Entry filed under: Uncategorized.

Lại nói về mộ Lạc Long Quân ở làng Bình Đà Thơ, câu đối viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Mười 2013
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Most Recent Posts