Thuyết Chim Lạc và người Lạc Việt : Sai lầm cơ bản của GS Đào Duy Anh

Tháng Tám 24, 2013 at 2:20 sáng 23 bình luận

Phan Duy Kha

P1070295Việc coi con chim Lạc gắn liền với hiện tượng di cư của người Lạc Việt từ phương Bắc đến miền Bắc nước ta để giải thích nguồn gốc người Việt cổ là điểm mấu chốt trong giả thuyết của Giáo sư Đào Duy Anh (GS ĐDA). Vậy tại sao lại có con chim Lạc, chim Lạc là chim gì?

1- Tại sao lại có tên là chim Lạc?

Trong lịch sử thành văn của nước ta cũng như trong kho tàng thư tịch cổ Trung Hoa, chúng ta không hề gặp một chữ nào ghi về con chim Lạc. Năm 1902, trống đồng Ngọc Lũ là chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện ở miền Bắc nước ta. Trên chiếc trống đồng đó có hình khắc rất nhiều con chim ở tư thế bay và đậu. Lúc bấy giờ người ta không biết những con chim ấy thuộc giống gì. Cho đến những năm 1950, GS ĐDA trong các tác phẩm Lịch sử cổ đại Việt Nam (1956), Nguồn gốc dân tộc Việt Nam (1958) đã căn cứ vào một vài dòng trong thư tịch cổ Trung Hoa gọi dân tộc ta là dân tộc Lạc Việt rồi “sáng tác” ra huyền thoại về những người Lạc Việt có nguồn gốc ở Giang Nam (chỉ chung vùng đất ở phía nam sông Dương Tử tức Trường Giang) , hằng năm theo gió mùa , giống “hậu điểu” theo theo đường biển di cư sang miền Bắc nước ta. Con người Việt cổ cũng theo giống chim trong cuộc di cư ấy. Ông viết: “Những chim hậu điểu ấy , ta thấy khắc trên trống đồng chính là tô tem (vật tổ) của những chủ nhân của trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt” . Và: “Cái hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu cho những con thuyên chở tổ tiên họ (tức người Lạc Việt) từ bờ biển Giang Nam đến miền quê hương mới (tức miền Bắc Việt Nam) cũng như những con chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim Lạc vật tổ” (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam- 1958)

Như vậy, chim Lạc chỉ là sản phẩm tưởng tượng của GS ĐDA từ những năm 1950. Theo suy luận của ông, những con thuyền được khắc trên tang trống chính là những con thuyền đã đưa người Lạc Việt từ miền Giang Nam (Trung Quốc) đến miền Bắc nước ta. Trong quá trình di cư đó, ở trên trời có những đàn chim di cư bay cùng hướng. Chim dẫn đường cho người. Người theo chim mà tìm đến miền đất mới (tức miền Bắc nước ta). Vì vậy người biết ơn chim mà coi chim là vật tổ. Trong tộc danh Lạc Việt thì từ tố “Việt” chỉ một thành phần trong Bách Việt, còn Lạc là tên chim. Lạc Việt là những người Việt thờ con chim Lạc làm vật tổ. Tên con chim Lạc xuất hiện từ đó.

Giả thuyết của GS ĐDA là một giả thuyết mang nhiều yếu tố huyễn tưởng và lãng mạn, nhưng cũng đã thuyết phục được không ít người tin theo. Mãi cho đến gần đây, nhiều tác giả vẫn căn cứ vào giả thuyết này mỗi khi đề cập đến nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn cuốn Các triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, Nxb Thanh Niên, 1999, được tái bản nhiều lần) ta thấy có ghi: “Cư dân cổ xưa của nước ta là người Lạc Viêt. Họ từ bờ biển Phúc Kiến di cư sang. Hằng năm theo gió mùa, họ vượt đến các miền duyên hải phương Nam như đảo Hải Nam, vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã (Việt Nam) . Họ thường tự sánh mình với loài chim Lạc mà hằng năm đầu mùa lạnh , chim cũng rời vùng biển Giang Nam , rồi đến mùa nắng gió nồm chim lại trở về Giang Nam. Vì thế người Việt lấy chim Lạc làm vật tổ. Cái tên của vật tổ ấy thành tên của thị tộc . Sau nhiều năm như vậy, người Lạc Việt đã ở lại miền Bắc Việt Nam  (Sdd, tr.17). Cho đến nay, những sách vở giải thích nguồn gốc dân tộc Việt Nam theo giả thuyết của GS ĐDA thì rất nhiều, tạo ra những cách hiểu mơ hồ về nguồn gốc dân tộc ta, gây nên  biết bao hệ lụy, không biết đến bao giờ mới gột bỏ được.

2- Những sai lầm cơ bản trong giả thuyết của GS ĐDA

Thật ra, phản bác lại giả thuyết của GS ĐDA không khó. P1070294

a. Nếu căn cứ trên mặt trống đồng để cho rằng những con chim đó là vật tổ của người Lạc Việt thì giải thích thế nào về 20 con hươu  (10 đực, 10 cái) cũng trên mặt trống đồng đó? Tại sao chim là vật tổ, còn hươu lại không phải là vật tổ? Hươu thì liên quan gì đến các chuyến bơi thuyền vượt biển ?

b. Cứ cho rằng, dân tộc Việt chúng ta từ vùng bờ biển Giang Nam, vượt biển mà vào miền Bắc nước ta, thì các địa điểm mà họ định cư đầu tiên (sau đó sẽ thành các trung tâm định cư) phải là các vùng duyên hải. Lý do gì mà sau một chặng đường dài vượt biển, họ còn bơi ngược dòng sông Hồng chảy xiết rồi mới tụ cư ở vùng Việt Trì, Phong Châu (Phú Thọ) , sau đó lại từ Phong Châu tràn xuống vùng đồng bằng như truyền thuyết và sự thật lịch sử đã được kết quả khai quật khảo cổ chứng minh?

c. Nếu chấp nhận có một cuộc di cư như thế thì vùng bờ biển Phúc Kiến, Quảng Châu, bán đảo Lôi Châu, và đảo Hải Nam (Trung Quốc) phải dày đặc người Việt (Cụ thể là dân tộc Kinh của chúng ta). Họ phải đổ bộ lên các vùng đất ấy trước khi phát hiện ra miền Bắc Việt Nam. Vậy thì tại sao ở những địa điểm đó lại vắng bóng người Việt chúng ta (Những điểm tụ cư, những làng mạc trù phú của người Việt)? P1070299

d. Cuối cùng, sai lầm chính của GS ĐDA chính là từ việc giải mã các hình khắc trên trống đồng. Những hình người khắc trên thuyền mà ông cho là “kỳ hình quái trạng” đó chính là một lễ hội hóa trang trên thuyền để mừng chiến thắng của người Việt cổ sau một trận đánh (chú ý đến người lính cầm giáo đâm vào đầu tù binh, một nghi lễ hiến tế) chứ chẳng liên quan gì đến việc di cư cả. Từ giải mã sai mà ông đi đến một giả thuyết sai lầm nhưng đã thuyết phục được không ít người.

Đó là chúng ta chỉ xét thuần túy về mặt lý thuyết. Còn trên thực tế thì từ những năm 1960-1970, kết quả khảo cổ học đã chứng minh rằng , người Việt chúng ta là chủ nhân của một nền văn minh phát triển liên tục từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn cách đây trên 4 nghìn năm mà thời kỳ Hùng Vương chỉ là giai đoạn cuối của tiến trình phát triển lịch sử đó. (còn trước văn hóa Phùng Nguyên, con người đang ở thời kỳ đồ đá, chưa thể đóng thuyền vượt biển được!)

Vậy những con chim trên mặt trống đồng thể hiện điều gì? Người Việt chúng ta thời kỳ đó bao gồm 2 bộ phận: Một bộ phận ở đồng bằng và một ở miền núi.Trống đồng là mô hình của đất nước ta, trên đó có loài hươu tượng trưng cho người miền núi (bộ phận Âu Việt, bà Âu Cơ) và loài chim ở nước, tượng trưng cho đồng bằng (bộ phận Lạc Việt, Lạc Long Quân). Chim ở nước có nhiều loài: cò, vạc, sếu, giang, le le, cốc, bồ nông… P1070297Vì vậy trên mặt trống đồng không chỉ có một loài chim: Con đậu, con bay, con cổ dài, con cổ ngắn… ngay trong giả thuyết của GS ĐDA, ông cũng không chỉ đích danh con chim nào là chim Lạc cả. Chẳng qua, các nhà làm nghệ thuật của ta sau  này thấy con chim đang bay, có mỏ dài, cánh dài, có dáng đẹp nhất nên lấy nó làm hình ảnh tượng trưng cho chim Lạc mà thôi. Vả lại, trong các giống chim ấy , không hẳn tất cả chúng đều là chim di cư. Có giống mình to, cánh ngắn, đầu to nặng nề thì bay xa vượt biển sao được ?

3- Về từ tố “Lạc” trong Lạc Việt

Sách Giao châu ngoại vực ký được dẫn lại trong Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc, thế kỷ VI) có ghi: “Đất Giao chỉ xưa khi chưa chia thành quận huyện (tức chưa bị sự cai trị của người Tàu) đất đai có Lạc điền, theo nước thủy triều lên xuống, dân trồng trọt ở các đám ruộng ấy để hưởng hoa lợi, vì vậy dân ấy gọi là Lạc dân, đặt ra các Lạc hầu, Lạc tướng để trông coi các quận huyện. Ở huyện phần nhiều là chức Lạc tướng. Các Lạc tướng có ấn đồng thao xanh” . Ta thấy từ tố “Lạc” ở đây liên quan đến một yếu tố là nước. Bởi vì, những ruộng Lạc đó theo nước thủy triều lên xuống mà canh tác, chứng tỏ rằng chúng nằm ở những địa hình trũng thấp, ven các triền sông, ven miền duyên hải. Trong từ Việt cổ, nước được phát âm thành NÁC.  Ngày nay, ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và đồng bào Mường vẫn gọi nước là ‘nác’ : “Đẻ đất đẻ nác” (sử thi Mường), “Trăm rác lấy nác làm sạch” (phương ngôn Nghệ Tĩnh, ý nói trăm cái bẩn đều lấy nước rửa sạch)

Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục của nhà bác học Lê Quý Đôn, chúng ta đọc được một đoạn rất quan trọng. Đó là đoạn tác giả trích một đoạn trong tập Sứ Giao của Trần Cương Trung người Trung Hoa đời Nguyên đi sứ sang ta vào thời Trần, trong đó Trần Cương Trung đã dùng chữ Hán để ghi âm từ Việt . Ví dụ từ “đất” nghĩa chữ Hán là “địa” , ông ghi âm là “đát”; từ “gió” nghĩa chữ Hán là “phong”, ông ghi âm là “giáo”; từ “mây” nghĩa chữ Hán là “vân” ông ghi âm là “mai”; từ “miệng” nghĩa chữ Hán là “khẩu” ông ghi âm là “mãnh”… Có lẽ Trần Cương Trung ghi âm một số từ cơ bản của ta để phục vụ cho các sứ giả Trung Hoa trong việc học phát âm tiếng Việt, dùng để giao tiếp khi đi sứ sang ta (không loại trừ họ học tiếng Việt để phục vụ cho công việc tìm hiểu, do thám những bí mật của ta). Trong đó điều đặc biệt cần chú ý là, từ NƯỚC của ta, họ ghi âm thành từ LƯỢC. Rõ ràng theo cách phát âm N thành L này thì từ NÁC của ta trước đây sẽ được các sử gia Trung Hoa ghi thành từ LẠC. NƯỚC= LƯỢC  –> NÁC = LẠCsmall_14600

Trở lại từ tố LẠC, ta thấy tất cả đều liên quan đến nước. Ruộng Lạc là ruộng thấp, ruộng nước. Còn Lạc Long Quân trong tuyền thuyết dẫn 50 con về miền ven biển để khai khẩn đất đai cũng canh tác ruộng lúa nước (sau đó ông còn về thủy phủ, tức ở hẳn dưới nước). Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, từ tố LẠC là một từ mà người Trung Hoa dùng để ghi âm từ NÁC (= nước) của ta mà thôi. Trong truyền thuyết của ta, Lạc Long Quân là giống Rồng, thủ lĩnh miền thấp, miền nước, Âu Cơ là giống Tiên, thủ lĩnh miền cao, miền núi hoàn toàn phù hợp với ghi chép trong thư tịch về các thành phần Lạc Việt, Âu Việt, cũng phù hợp với các hình khắc trên mặt trống đồng: Loài chim ở nước và loài hươu ở núi. Đó chính là 2 bộ phận tộc người trên đất nước ta trước đây. Rõ ràng ở đây không có con chim Lạc nào cả!

Từ LẠC để ghi âm từ NƯỚC cũng tương tự như từ Hùng để ghi âm từ Cun, Khun (thủ lĩnh bộ lạc) trong ngôn ngữ Việt cổ. Chúng tôi cho rằng, một số nhà nghiên cứu đang tìm cách phân tích, chiết tự chữ Hán để tìm hiểu nghĩa của những từ Âu, Lạc, Văn Lang, Việt Thường… chỉ là một việc làm vô ích. Bởi vì, những từ đó đơn giản chỉ là những chữ Hán để ghi âm những từ Việt cổ tương tự như LẠC =NÁC mà thôi.Việc cần thiết khi nghiên cứu thời kỳ đầu dựng nước là phải khôi phục lại âm gốc những từ Việt cổ bị Hán hóa đó.

PDK

Trích từ cuốn Lịch sử và sự ngộ nhận của Phan Duy Kha (Nxb Từ điển Bách khoa và Trung tâm Văn hóa Tràng An liên kết  xuất bản,  Hà nội, 2008)

Ảnh:

1. Ảnh đầu bài: Bề mặt trống đồng Ngọc Lũ

2. Hình chim và hươu được khắc họa trên bề mặt trống đồng

3. Hình thuyền được  khắc trên tang trống mà GS Đào Duy Anh “đọc” nhầm là thuyền chở đoàn người di cư, thật ra là  một lễ hội hóa trang trên sông nước

4. Những con chim được khắc trên trống. Chú ý có những  con mình to cánh ngắn không thể là loài chim di cư

*

Xem thêm bài: –
Hậu quả của việc đội mũ Tàu lên đầu các vị thủy tổ dân tộc ta

Đôi điều tâm sự với bạn đọc VIỆT SỬ KÝ (Ba Sàm chép sử Việt)

Entry filed under: Uncategorized.

Nguyễn Triệu Luật, con người và tác phẩm Triệu Đà là con cháu của vua Hùng, một “giả thuyết” kỳ cục của GS Bùi Văn Nguyên

23 bình luận Add your own

  • 1. bucquadithoi1  |  Tháng Tám 24, 2013 lúc 7:18 sáng

    […] – Thuyết Chim Lạc và người Lạc Việt : Sai lầm cơ bản của GS Đào Duy Anh (Phan Duy Kha). […]

    Trả lời
  • 3. trương xuân huy  |  Tháng Tám 24, 2013 lúc 10:10 sáng

    bài vịiết khá hay

    Trả lời
  • 5. NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 24-8-2013 | Ngoclinhvugia's Blog  |  Tháng Tám 24, 2013 lúc 1:15 chiều

    […] miếng rẻ rách cơ bản trong tiếng gà gáy và tiếng chó sủa. (Bà Đầm Xòe). – Thuyết Chim Lạc và người Lạc Việt : Sai lầm cơ bản của GS Đào Duy Anh (Phan Duy Kha). – Chuyện mấy cái phong bì (Quê choa). – Đại tướng Võ Nguyên […]

    Trả lời
  • […] – Thuyết Chim Lạc và người Lạc Việt : Sai lầm cơ bản của GS Đào Duy Anh (Phan Duy Kha). […]

    Trả lời
  • 8. bucquadithoi1  |  Tháng Tám 26, 2013 lúc 6:50 sáng

    […] Thuyết Chim Lạc và người Lạc Việt : Sai lầm cơ bản của GS Đào Duy Anh (Phan Duy […]

    Trả lời
  • 10. Dai Hoang  |  Tháng Bảy 9, 2014 lúc 3:10 sáng

    Toi da mua doc cuon sach nay tu rat lau. That khg may cho ban muon va bi that lac. May lan ve VN tim mua lai nhung khg con nua. Xin tac gia chi giup co the mua cuon sach nay o dau (Va` ca’c sach khac nua)? Xin cam on

    Trả lời
  • 11. phanduykha  |  Tháng Bảy 9, 2014 lúc 4:31 sáng

    Cảm ơn bạn đã quan tâm. Sách in từ lâu rồi nên bây giờ không thấy ở đâu bán nữa. Mong bạn thông cảm.

    Trả lời
  • 12. Đỗ Tuấn Anh  |  Tháng Mười Hai 18, 2014 lúc 7:59 chiều

    Cảm ơn Ngài về bài viết giá trị. Tôi có một đòi hỏi quá đáng mong Ngài đáp ứng cho tôi. Đó là vấn đề các tộc người Việt Cổ định cư ở Miền Bắc VN thời Hùng Vương xưa. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều rồi mà ko thể tìm thấy. Sách lịch sử cộng sản chỉ cho tôi biết rất mơ hồ về 2 tộc là Lạc Việt và Âu Việt nhưng tôi luôn nghi ngờ còn có những tộc Việt khác ở vùng này. Vậy tôi kính mong Ngài chỉ bảo cho tôi biết thêm một chút kiến thức về cha ông, tổ tiên mình. Rất cảm ơn Ngài và chúc Ngài luôn mạnh khỏe !!!

    Trả lời
    • 13. phanduykha  |  Tháng Mười Hai 19, 2014 lúc 1:56 sáng

      Bạn Đỗ Tuấn Anh thân mến,
      Xin phép được gọi bạn là “bạn” (trong từ “bạn đọc” chung chung không kể tuổi tác). Tôi năm nay đang ở tuổi U70, bạn có thể gọi là ông, hoặc anh, hoặc chú , hoặc bác, tùy theo tuổi của bạn, theo phong tục Việt Nam ta, chứ xin bạn đừng gọi tôi là Ngài mà tôi tổn thọ.
      Câu hỏi của bạn không có gì là quá đáng. Đó là nhu cầu tìm hiểu cội nguồn dân tộc, không chỉ của riêng bạn mà là của tất cả người Việt Nam ta nói chung. Các tư liệu sách vở thư tịch xưa, không hề ghi chép nước ta xưa có bao nhiêu dân tộc, là những dân tộc gì. Vì vậy việc xác định các dân tộc như câu hỏi của bạn là không thể. Các sách “Lịch sử cộng sản” như bạn nói, hay lịch sử gì thì cũng thế mà thôi. Theo các nhà nghiên cứu thì trên vùng đất miền Bắc nước ta lúc đó (tức tương đương với lãnh thổ của các vua Hùng ngày xưa), chúng ta có các dân tộc Lạc Việt (là người Việt- Mường cổ) và dân Âu Việt (là người Tày- Thái cổ). Lạc Long Quân là đại diện cho dân Lạc Việt, Âu Cơ là đại diện cho dân Âu Việt. Lạc Long Quân kết hôn với Âu Cơ là hình ảnh của sự hòa đồng , kết hợp giữa hai tộc người này. Sau này, khi Thục Phán lên ngôi, đặt tên nước ta là Âu Lạc, cũng là sự kết hợp giữa hai tộc người này. Sử xưa không ghi chép cụ thể về các dân tộc thiểu số, sống trên các miền núi rừng hẻo lánh, mà gọi chung chung là dân Di, Lạo. Chúng ta chỉ tạm bằng lòng đến thế mà thôi.
      Thân ái chào bạn.

      Trả lời
  • 14. Những vấn đề Lịch sử và Phản biện | Phan Duy Kha  |  Tháng Một 22, 2015 lúc 4:22 sáng

    […] – Thuyết Chim Lạc và người Lạc Việt : Sai lầm cơ bản của GS Đào Duy Anh […]

    Trả lời
  • 15. thiện  |  Tháng Mười 17, 2015 lúc 11:16 chiều

    Bờ biển Phúc Kiến không phải là không có người Việt, họ đã bị đồng hóa rồi mà. Trước đây có nhiều người Việt lắm chứ, vùng quảng đông vẫn gọi là Việt mà, tiếng Quảng vẫn gọi là phương ngữ
    Việt mà.

    Trả lời
    • 16. phanduykha  |  Tháng Mười 17, 2015 lúc 11:23 chiều

      Người Việt ở Quảng Đông, Phúc Kiến là người Mân Việt, họ cũng là một bộ phận người Việt trong Bách Việt, nhưng không phải người Việt (Lạc Việt ) của ta. Nay đã bị người Tàu đồng hóa.
      Thân ái chào bạn

      Trả lời
  • 17. Hoàng Vinh  |  Tháng Mười Một 4, 2015 lúc 2:04 chiều

    Cái này, thầy tôi là GS Trần Quốc Vượng dạy chúng tôi từ mùa xuân 1974. Cụ nói mạch lạc hơn và ngắn gọn hơn nhiều: “CHIM LẠC ư! Đó là một le nom do thầy tôi, GS Đào Duy Anh, đặt ra. Nó là một symbole. Hiểu chưa? Chúng tôi thấy gọn và hay và gọi theo, thừa nhận trong tinh thần đó. Còn các ông các bà muốn cụ thể hoá nó theo lối trực quan bằng tiếng Kinh thì cứ “Cái cò cái vạc cái nông” mà gọi cho nhà cháu. Xong!”

    Trả lời
  • 18. Hoài Nhân  |  Tháng Sáu 24, 2016 lúc 7:05 sáng

    Thựa GS. Mỗi năm đều có giỗ tổ Hùng Vương. Điều đó làm em cứ thôi thúc em tìm hiểu nhưng theo ghi chép của sử Việt Nam nó khá mơ hồ và thiếu thông tin nên em cũng tìm hiểu thêm 1 chút thông tin từ lịch sử Trung Quốc thì từ thời Lạc Long Quân thì chúng ta có chung nguồn gốc từ lãnh thổ Trung Quốc cổ đại. Cụ thể thì em không tiện giải thích dài dòng. Em chỉ thắc mắc điều đó có thật sự chính xác?

    Trả lời
    • 19. phanduykha  |  Tháng Sáu 25, 2016 lúc 1:21 chiều

      Nói Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc là do các sử gia của ta mà đầu tiên là trong Đại Việt sử ký toàn thư. Còn sử Tàu thì chưa có cuốn sách nào nói ta có nguồn gốc từ Trung Quốc cả. Bạn nên tìm hiểu lại xem, rồi sẽ trao đổi sau.

      Trả lời
  • 20. Thượng Vi Dĩ Công  |  Tháng Mười 19, 2016 lúc 1:10 sáng

    Thưa bác! vậy theo bác thì con chim mỏ dài đặc trưng kia là con chim gì. Con chim Lạc kia thật sự là loài chim gì, nó vẫn tồn tại đến ngay nay hay đã tuyệt chủng.??? theo cháu, nó là 1 loài rất gân gũi với cư dân nông nghiệp lúa nước chúng ta. Đó là con CÒ.

    Trả lời
    • 21. phanduykha  |  Tháng Mười 19, 2016 lúc 11:46 chiều

      Đúng rồi đó bạn!

      Trả lời
      • 22. Trần Hoàng  |  Tháng Mười Hai 20, 2016 lúc 1:07 chiều

        Theo tôi con cò là chị của con cóc, con cóc thường hiện diện trên trống đồng. Chữ Nho là chữ biểu ý, do đó kết cấu của nó phản ảnh ý nghĩa nhất định đương thời, sao PDK bảo là vô ích. Có chủ quan lắm không?

  • 23. Obbbb  |  Tháng Năm 20, 2017 lúc 5:29 sáng

    1 sự thật trần trụi về con chim được thần thánh hóa.
    Cháu cảm ơn ông. Nhìn ông trong ảnh trẻ quá.

    Trả lời

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Tám 2013
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031  

Most Recent Posts