Những sai lầm cần đính chính trong “An Tĩnh cổ lục”

Tháng Một 4, 2014 at 10:11 sáng 3 bình luận

140138An Tĩnh cổ lục (Ghi chép lại những chuyện xưa ở vùng Nghệ An- Hà Tĩnh, nguyên văn chữ Pháp là “Le Vieux An Tinh” là tác phẩm địa chí của học giả người Pháp Hipolyte Le Breton, là tác phẩm được Tập san “Đô thành hiếu cổ” xuất bản năm 1936 bằng tiếng Pháp. Gần đây, tác phẩm này được nhóm dịch giả Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Văn Phú chuyển ngữ, Chương Thâu và Phan Trọng Báu hiệu đính, Nhà xuất bản Nghệ An kết hợp với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành (Hà Nội, 2005)

Le Breton là học giả nước ngoài rất yêu mến và gắn bó với vùng đất Nghệ Tĩnh mà hồi đó gọi là An Tĩnh. Một thời kỳ dài , ông là giáo viên Trường Quốc học Vinh, có điều kiện tìm hiểu qua học trò, qua các bậc phụ huynh là những nhà nho giàu kiến thức trong vùng rồi tổ chức những đoàn tham quan đến từng di tích , ông lại vận dụng , kết hợp những tri thức tiên tiến của nhiều bộ môn, nên nội dung rất phong phú. Từ địa chất, địa mạo, khảo cổ học, văn bản học đến văn hóa dân gian (folklore) xứ Nghệ đều được ông vận dụng vào việc tìm hiểu vùng đất này. Đó là cách làm việc khoa học và mới mẻ so với thời bấy giờ. Như lời của Le Breton : “Vì hiểu nên mới yêu và càng yêu thì càng hiểu hơn”, ông đã dồn tâm sức của mình vào cuốn sách và để lại cho chúng ta những trang viết quý giá. Cuốn sách rất cần thiết cho những ai quân tâm, tìm hiểu và nghiên cứu về vùng đất và con người xứ Nghệ. Công lao của Breton, đóng góp của ông đối với vùng đất này thật đáng trân trọng. Đặc biệt, đến nghiên cứu di tích, danh thắng nào, Breton đều có chụp ảnh. Ông đã để lại một bộ ảnh di tích danh thắng xứ Nghệ chụp từ những năm 1920- 1930 rất quý giá (khoảng 120 tấm ảnh) . P1070565P1070566Tuy nhiên, với con mắt của một học giả nước ngoài, khi nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, Breton không không khỏi mắc phải những sai lầm, khiếm khuyết. Có những khiếm khuyết do ông chưa hiểu hết nền văn hóa Việt Nam, cũng có những sai lầm do ông chưa được tiếp cận những bộ sử gốc của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Đại Việt thông sử, Lịch triều hiến chương loại chí… Những sai lầm khiếm khuyết đó , với người nghiên cứu rất dễ nhận ra. Tuy nhiên, với những bạn đọc bình thường có thể không nhận thấy, vì vậy dễ gây ra hiểu nhầm, ngộ nhận. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra một số sai lầm cơ bản , cần thiết phải đính chính trong cuốn sách trên.

MAI HẮC ĐẾ LÀ NGƯỜI CHĂM PA

Về Mai hắc đế, người cầm đầu một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại ách đô hộ nhà Đường vào thế kỷ thứ VIII ở vùng Nghệ Tĩnh, sách viết: “Tên ngài chính là Mai Thúc Loan, do một địch thủ người Tàu đặt, dựa vào nước da đen của ngài (tức Mai Hắc Đế) . Có nhiều khả năng ngài là gốc từ Chămpa, chứ không phải người An Nam. Điều này do những người dựng đền ở làng Sa Nam (thế kỷ X) không biết, đã biến Mai Thúc Loan thành người An Nam và tôn thành thần phù hộ cho mình”. Qua một vài dòng phân tích sơ lược, cuối cùng Breton kết luận: “Kết luận lại, người ta có thể nói rằng: Do sự mê tín và thiếu hiểu biết của những người lập đền thờ ở Sa Nam đã khiến họ phạm phải một sự nhầm lẫn và phải tôn thờ một người không phải nòi giống của mình”. Chúng ta không thấy Breton đưa ra được một chứng cứ cụ thể nào để kết luận về nguồn gốc Chămpa của Mai Hắc Đế, mà chỉ căn cứ vào biệt hiệu Hắc Đế của ông (tác giả cho rằng da ông đen là do gốc Chămpa mà có). Thực ra, Mai Hắc Đế là người Việt chính gốc. Ông quê ở làng Mai Phụ (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ ông đã phải đưa ông rời quê đến làng Ngọc Trường (Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An) kiếm sống. Năm 722 ông nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường, giải phóng cả một vùng Hoan- Ái rộng lớn (tức phạm vi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), lên ngôi vua, đóng đô ở thành Vạn An (Nam Đàn ngày nay). Hiện nay ở đây còn miếu mộ, đền thờ Mai Hắc Đế.. Nguồn gốc của ông không dính dáng gì đến người Chămpa cả.

LOẠN 12 SỨ QUÂN DO …TRUNG QUỐC RỐI LOẠN (?)

Về nguyên nhân loạn 12 sứ quân, Le Breton viết: “Vào thế kỷ thứ X, Đại Việt phải khuất phục dưới ách đô hộ của người Trung Quốc, đất nước lúc đó chia thành 12 châu hay quận. Nhân cơ hội Trung Quốc rối loạn, các Thái thú An Nam tự xưng độc lập. Thời kỳ này sử biên niên của Trung – Việt gọi là loạn 12 sứ quân”. Thực ra, khi xẩy ra loạn 12 sứ quân, đất nước ta không còn chịu ách đô hộ của người Trung Hoa và cũng không phải do “nhân cơ hội Trung Quốc rối loạn” mà xẩy ra loạn 12 sứ quân. Loạn 12 sứ quân xẩy ra vào năm 966 – 968, sau khi nước ta giành độc lập đước 28 năm. Trước đó, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) giành lại quyền độc lập cho đất nước, ông lên làm vua được 6 năm (939 – 944). Các con ông là Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập lên làm vua được 15 năm nữa (950 – 965). Đến đời cháu là Ngô Xương Xí làm vua thì thế lực của chính quyền trung ương suy yếu. Các thế lực cát cứ ở các địa phương nổi lên, mỗi người chiếm cứ một vùng, gọi là sứ quân. Những người này không hề là các “Thái thú” của người Tàu mà chỉ là các quan lại thổ hào có thế lực ở các địa phương. Loạn 12 sứ quân không liên quan gì đến lịch sử Trung Quốc cả. Và ông Hồ Hưng Dật, vị thủy tổ của Hồ Quý Ly cũng không hề là một trong 12 sứ quân như suy diễn của Breton.

NGUYỄN DU ĐI SỨ THỜI TÂY SƠN (?)

Viết về dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Du, Le Breton viết: “Năm thứ 55 niên hiệu Càn Long (Càn Long là vị vua trị vì Trung Hoa từ 1738 – 1796). Năm 1790, Nguyễn Du 27 tuổi. Chính năm 1790 này, Nguyễn Du tham gia một sứ bộ sang Bắc Kinh nộp cống. Và trong khi ở bên đó, Nguyễn Du được tặng món quà ngoại giao này”

Món quà ngoại giao mà Breton nhắc đến chính là bức hoành phi ghi “ Hồng Sơn thế phả” ở dòng lạc khoản có ghi: “Ngày lành tháng 5, năm thứ 55 niên hiệu Càn Long (tức năm 1790)” . Thực ra, đây chính là món quà ngoại giao mà các quan lại nhà Thanh tặng cho Nguyễn Nễ (anh ruột Nguyễn Du) nhân dịp ông đi sứ sang Trung Hoa thời Tây Sơn. Nguyễn Nễ (1761 – 1806) làm quan dưới triều Tây Sơn, đã hai lần đi sứ nhà Thanh. Lần thứ nhất là vào năm 1790, như đã nêu trên. Lần thứ hai là vào năm Bính Thìn, niên hiệu Gia Khánh (1796). Cả lần này nữa, Breton vẫn lầm tưởng là chuyến đi sứ của Nguyễn Du. Ông viết: “Tháng giêng năm Bính Thìn, năm thứ nhất niên hiệu Gia Khánh. Vua Gia Khánh trị vì từ năm 1796 đến 1820. Năm thứ nhất triều vua này là năm 1796, năm mà bức hoành phi này được tặng. Năm ấy Nguyễn Du 32 tuổi”. Thực ra, vào thời gian này đang thuộc triều đại Tây Sơn, Nguyễn Du đang phải lẩn trốn về quê vợ (Hưng Hà, Thái Bình) và về quê cha (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Nguyễn Du chỉ duy nhất một lần đi sứ Trung Hoa đó là chuyến đi sứ vào năm 1813- 1814 (ra đi vào tháng 2.1813 và trở về vào tháng 3.1814) dưới triều vua Gia Long. Vào năm 1820, dưới triều vua Minh Mạng, Nguyễn Du được cử làm chánh sứ, lần thứ hai được cầm đầu một đoàn sứ bộ sang nhà Thanh. Nhưng ông chưa kịp lên đường thì đã bị nhiễm bệnh, mất ở Kinh đô Huế vào ngày 10.8 năm Canh Thìn (1820). Như vậy là Breton đã nhầm lẫn, gán những sự kiện đi sứ của người anh ruột là Nguyễn Nễ cho Nguyễn Du, đem sự kiện ngoại giao thời Tây Sơn gán cho thời Nguyễn.

ĐU TIÊN LÀ HÌNH THỨC CÚNG TẾ MANG TÍNH CHẤT TÔN GIÁO CHĂMPA (?)

Về trò chơi đu tiên, Le Breton viết: “Tục đu tiên này gợi lại một hình thức cúng tế mang tính chất tôn giáo Chămpa mượn của Ấn Độ” và :  “ Từ những nhận định ấy, có thể kết luận rằng trò đu tiên của Hoành Sơn có thể coi như đu Chăm pa”. Thực ra, trò đu tiên là loại trò chơi dân gian , được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, các dịp lễ hội, không chỉ ở vùng Hoành Sơn (Đèo Ngang, Hà Tĩnh) mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước ta. Đặc biệt, trò chơi này không thể thiếu trong dịp lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch hàng năm. Theo truyền thuyết thì đây là trò chơi phổ biến của các Mỵ nương (công chúa thời Hùng Vương). Do phạm vi và tính phổ biến của nó trên miền Bắc, đặc biệt là ở vùng đất Tổ, nên đây không thể là “hình thức cúng tế mang tính chất tôn giáo Chămpa được !

Trong cuốn sách trên , chúng ta còn có thể tìm thấy nhiều sai lầm ngộ nhận nữa của Breton. Chúng tôi nêu lên đây không phải để phê phán ông. Một học giả nước ngoài, ở trong thời kỳ mà các viên quan lại thực dân vốn mang đầu óc  miệt thị dân bản xứ, mà ông đã để công sưu tầm, nghiên cứu tâm huyết như thế thì thật đáng quý. Điều chúng tôi muốn trao đổi ở đây là: Những sai lầm đó, nhóm những người biên dịch hiệu đính , nếu có trách nhiệm hơn thì cần có những chú thích, đính chính cần thiết, để tránh cho độc giả những hiểu nhầm, ngộ nhận, chứ không chỉ đề cao, ca ngợi một chiều!

Chú thích ảnh : Hai bức Không ảnh chụp Đèo Ngang và Lam Thành, in trong An Tĩnh cổ lục.

*

Bài trích từ cuốn “Lịch sử và sự ngộ nhận” của Phan Duy Kha

Entry filed under: Uncategorized.

Ông Đồ Nghệ giữa lòng phố cổ Sẽ có ngày lấy lại HOÀNG SA

3 bình luận Add your own

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Một 2014
H B T N S B C
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Most Recent Posts