Nhân kỷ niệm 225 năm đại thắng quân Thanh

Tháng Hai 3, 2014 at 4:13 sáng 3 bình luận

images41370_tuongvuaQTNHÂN KỶ NIỆM 225 NĂM QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THANH (1789- 2014)

THỬ GIẢI NGHĨA ĐÔI VẾ CÂU ĐỐI Ở CHÙA BỘC

KS. PHAN DUY KHA

Pho tượng vua Quang trung

Chùa Bộc, tên chữ là Thiên Phúc tự, ở địa phận làng Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là một trong những ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa sớm nhất nước ta (văn bản số 29 VH/QĐ ngày 13-1-1964). Đặc biệt, tại chùa có ba pho tượng thờ riêng ở bên phải bái đường, trong đó có pho tượng Đức Ông. Theo người xưa truyền lại, đây là một pho tượng lạ, phải có con mắt tinh đời và tấm lòng tưởng nhớ người xưa thì mới thấy được ý nghĩa sâu xa cùng bao điều bí ẩn trong đó. Phía trên ba pho tượng là bức hoành phi sơn son thếp vàng, có bốn đại tự: “Uy phong lẫm liệt”. Riêng bức hoành phi này đặt ở chùa đã là một sự lạ. Bởi vì bốn chữ “Uy phong lẫm liệt” thường để ca ngợi những người anh hùng có nhiều võ công và thường được thờ ở đền thờ các vị anh hùng dân tộc, còn đây là ngôi chùa thờ Phật. Đến tượng Đức Ông lại càng lạ. Bức tượng này to bằng người thật, ngồi trên bệ sơn son, một chân để trong hài, một chân để ngoài rất tự nhiên.P1060684

Mình pho tượng mặc áo hoàng bào, thêu rồng, lưng thắt đai nạm ngọc, đầu pho tượng đội mũ  kiểu xung thiên, có hai dải kim tuyến thả xuống hai bên mang tai, trông rất oai nghiêm. Đó là, kiểu y phục của đế vương thời xưa. Do sự đặc biệt của bức hoành phi, pho tượng và đôi vế đối, các nhà nghiên cứu đều đặt vấn đề nghi vấn: phải chăng đây là pho tượng vua Quang Trung, nhưng không có bằng chứng cụ thể để khẳng định.

Ngày 22-4-1962, cụ Trần Huy Bá, một cán bộ nghiên cứu bảo tàng lâu năm, nhiều kinh nghiệm, khi xem xét pho tượng đã phát hiện ra phía sau bệ tượng có dòng chữ: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” (Tượng Quang Trung tạc năm Bính Ngọ). Đến lúc này mọi người mới chắc chắn đích thực tượng Đức Ông chùa Bộc là pho tượng thờ Quang Trung. Hai bên tả hữu của Quang Trung là tượng hai vị đại thần, được tạc nhỏ hơn, đặt thấp hơn. Ba người như đang ngồi bàn việc nước trong tư thế thoải mái. Về thời điểm năm Bính Ngọ khắc sau bệ bức tượng, các nhà nghiên cứu đều thống nhất đó là năm 1846. Lúc này đang đời vua Thiệu Trị (1840 – 1847), việc lùng bắt, trả thù những người liên quan đến triều đại Tây Sơn vẫn còn gay gắt (chúng ta càng thấy lòng ngưỡng mộ của nhân dân ta đối với vua Quang Trung thật là sâu sắc!).

Từ khi pho tượng Đức Ông chùa Bộc được phát hiện là tượng vua Quang Trung, nhân dân gần xa nô nức đến thắp hương bái vọng, tưởng niệm người anh hùng dân tộc.

Về câu đối ở hai bên tượng Quang Trung

Hai bên tả hữu bàn thờ có đôi vế đối (phiên âm):

(1) Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ.

(2) Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.

Dịch theo nghĩa thông thường:

Vế trên (1): Trong động này không có mảy may bụi nhơ nào, non sông đất nước rộng lớn còn để lại một tòa lâu đài rường cột làm dấu vết.

Vế dưới (2): Giữa ánh sáng thành Phật, thế giới cõi tiểu thiên gió mây đều cảm động mà chuyển vần.

Nếu dịch nghĩa như trên thì không có gì dính dáng đến vua Quang Trung cả. Chúng ta cũng thấy, do sợ trả thù tàn khốc của triều Nguyễn, mọi sự người ta không thể nói thẳng ra được mà phải suy ngẫm, hiểu ngầm ý tứ bên trong. Bởi vì ở ngôi chùa ngay giữa Thăng Long đông người vãn cảnh, một sự sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra tại họa khôn lường. Ngay từ năm 1962, các nhà nghiên cứu đã giải nghĩa đôi vế đối như sau:

Vế trên (1): Động lý tức là động ốc – tên một dụng cụ để phá thành, vì vậy, có thể diễn dịch: “Sau trận phá thành, quét sạch bụi bặm (quân xâm lược), trên toàn bộ dải đất núi sông rộng lớn, còn lưu lại tòa nhà cao rộng (ngôi chùa)”.

Vế dưới (2): Quang Trung hóa Phật. Theo sách nhà Phật: trong ánh sáng bốn biển lớn, hóa ra muôn vàn Đức Phật (nghĩa bóng là vua Quang Trung thình lình hóa thành ức vạn quân). Còn “phong vân” thì không hàm nghĩa gió mây mà chỉ là hai trận thế trong “Bát trận đồ” của Khổng Minh: “Thiên địa – Phong vân – Long hổ – Điểu xà” (“phong” còn có nghĩa là tình thế). Do đó vế này có thể diễn dịch là: “Vua Quang Trung tung ra ức vạn binh lính, đánh một trận phong vân làm rung chuyển cả cõi trần”. Hoặc là: “Vua Quang Trung tung ra ức vạn binh lính làm xoay chuyển cả tình thế”.

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn bằng lòng với cách giải thích trên. Theo chúng tôi, cách giải thích này còn khiên cưỡng, gò ép. Ở vế trên (1), động lý được giải thích là “động ốc” – tên một công cụ phá thành (danh từ) – mà giải nghĩa thành “sau trận phá thành” (hành động) thì e rằng không hợp lý. Ở vế dưới (2). “Quang Trung hóa Phật” mà giải nghĩa là “Quang Trung tung ra ức vạn binh lính” cũng khó có thể chấp nhận. Trong một vế mà phải vận dụng cả điển tích nhà Phật, cả điển tích thời Tam Quốc, để giải thích là tùy tiện. Chúng ta có thể đặt nghi vấn: tại sao hai vế đối thờ vua Quang Trung lại chỉ nhắc tới cùng một sự việc (đánh quân xâm lược). Xét về mặt cấu trúc thì cả hai vế đối như thế sẽ không “chỉnh”. Chỉ đối chữ mà không đối ý.

Theo chúng tôi, đôi vế đối trên phải được hiểu như sau:

Vế trên (1) phải địch đúng nghĩa thông thường: “Trong động này (khu vực này) không còn mảy may bụi nhơ nào (vì đã quét sạch quân xâm lược), non sông rộng lớn này còn để lại một tòa lâu đài (tức ngôi chùa) làm dấu vết”.
Vế (1) phải hiểu theo nghĩa này mới đúng. Khu vực chùa Bộc lúc bấy giờ là vị trí đóng quân của Thái thú Điền châu Sầm Nghi Đống. Đêm mồng bốn rạng mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu, trước sự tấn công bất ngờ và mãnh liệt của quân ta (đạo quân của Đô đốc Long), Sầm Nghi Đống thế cùng đã phải thắt cổ tự tử tại đài chỉ huy ở Loa Sơn (phía Tây chùa Bộc 200m). Nằm trong trận địa tiêu diệt quân Thanh nên sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789), chùa Bộc bị đổ nát. Vua Quang Trung đã sắc cho xây dựng lại chùa. Vì vậy trong vế trên, cụm từ đầu nêu sự kiện đại phá quân Thanh của Quang Trung ngay tại nơi đây (ngay tại vị trí chùa), còn ý sau nhắc đến công đức của Quang Trung đã cho xây lại chùa. Như vậy vế đối mới sát nghĩa.

Vế dưới (2), cụm từ đầu “Quang Trung hóa Phật”, theo chúng tôi, nhằm nhắc tới cái chết của vua Quang Trung. Trong từ điển Hán Việt, hóa ( ) là biến đổi Ngôn ngữ Việt Nam nhắc đến sự chết thường rất phong phú (“về” cũng là chết; “hóa” cũng là chết. Nguyễn Du viết: “Khí thiêng khi đã về thần” là nhắc đến cái chết của Từ Hải). Ở đây, cụm từ “Quang Trung hóa Phật” là nói đến cái chết của vua Quang Trung. Có thể dịch: “vua Quang Trung về cõi Phật” hoặc “vua Quang Trung về cõi vĩnh hàng”. Còn cụm từ sau vẫn được hiểu theo nghĩa thông thường. Vì vậy, toàn vế (2) có thể diễn dịch là: “Vua Quang Trung về cõi vĩnh hằng, tiểu thiên thế giới gió mây đều cảm động mà chuyển vần” (Vua Quang Trung qua đời, gió mây cũng cảm động, huống hố là con người!).
Vế này nói lên lòng thương tiếc của nhân dân ta đối với vua Quang Trung. Pho tượng và đôi vế đối đều được làm sau khi Quang Trung mất hơn 50 năm. Vì vậy, giải nghĩa vế (2) phải là lòng thương tiếc, ngưỡng vọng của nhân dân ta đối với Quang Trung mới chính xác. Như vậy, ta sẽ có đôi vế đối rất “chỉnh”, đối cả từ, đối cả ý.

Tương truyền câu đôi này do nhà thơ Cao Bá Quát làm giúp nhân dân thế thì cách giải thích trên lại càng hợp với văn phong của ông: nói thẳng mà kẻ thù không bắt bẻ được. Với quan quân nhà Nguyễn, cụm từ “Quang Trung hóa Phật” sẽ được giải thích là “giữa ánh sáng thành Phật” (Quang Trung còn là tên một vị bồ tát hóa Phật). Như vậy, quan quân nhà Nguyễn không có lý do gì để bắt bẻ.

Cao Bá Quát (1808 – 1855) đã từng mắng vua Tự Đức là khù khờ và khệnh khạng:

Khù khờ thi tứ đa nhân thức,

Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.

(Tứ thơ khù khờ đã nhiều người biết, lại còn khệnh khạng mang đến hỏi tú tài. Khù khờ, khệnh khạng là những từ Nôm – xem Giai thoại văn học Việt Nam). Tự Đức tức tím ruột mà không làm gì được.

Trên đây là đôi điều giải thích sơ thiển của một kẻ hậu sinh, rất mong được các bậc túc nho phủ chính cho, ngõ hầu hiểu được đúng, chính xác ý tứ mà người xưa muốn gửi gắm lại cho hậu thế.

* Ảnhđầu bài: Tượng Quang Trung ở Chùa Bộc

Ảnh trong bài: Cổng chùa Bộc, quận Đống Đa (Hà Nội)

*

* Trích từ cuốn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.

 

Entry filed under: Uncategorized.

Chúc mừng năm mới Giáp Ngọ 2014 Kẻ thù của ta là giặc phương Bắc

3 bình luận Add your own

Bình luận về bài viết này

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


Lịch

Tháng Hai 2014
H B T N S B C
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
2425262728  

Most Recent Posts